Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Đại Chiến Thế Giới Z Chương 5

EBOOK ĐẠI CHIẾN THẾ GIỚI Z - MAX BROOKS

TÊN EBOOK: ĐẠI CHIẾN THẾ GIỚI Z

Tên gốc: Worl War Z
Tác giả: Max Brooks
Thể loại: Best seller, Giả tưởng, Tiểu thuyết, Zombie, Văn học phương Tây
Nguồn: BookismVietNam
Đọc online tại: e-thuvienonline.blogspot.com

ebook dai chien the gioi z full prc pdf epub

Ebook Đại Chiến Thế Giới Z - Max Brooks

MẶT TRẬN MỸ
            TAOS, NEW MEXICO
            [Arthur Sinclair Junior là hình ảnh đặc trưng cho giới quí tộc của thế giới cũ: cao, gầy, tóc bạc cắt ngắn và mang chất giọng đớt miền Harvard. Ông nói vào hư vô, rất ít khi nhìn vào mắt tôi hay dừng lại cho tôi hỏi. Trong cuộc chiến, ngài Sinclair là giám đốc cục DeStRes mới mở của chính phủ Mỹ, hay nói đầy đủ ra là Department of Strategic Resources38.]
            Tôi chẳng hiểu ai nghĩ ra cái từ viết tắt “DeStRes” hay liệu họ có nhận thấy nó nghe rất giống “distress” không nhưng rõ ràng là không thể nào hợp. Thiết lập tuyến phòng ngự ở Dãy Rocky có thể tạo ra một “khu an toàn” trên lí thuyết nhưng thực tế khu đó chủ yếu chỉ toàn gạch đá và dân tị nạn. Số lượng người bị chết đói, bệnh tật, vô gia cư lên đến hàng triệu. Công nghiệp đang trong tình trạng bất ổn, giao thông vận tải và trao đổi thương mại đã đình trệ hoàn toàn, và vấn đề còn bị lũ thây ma đang tấn công Phòng lũy Rocky cũng như đang bùng phát lại trong vùng an toàn của ta làm phức tạp hóa thêm. Chúng ta phải vực người dân đứng lên lại — cho họ cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, và đưa họ trở lại làm việc — nếu không thì cái vùng an toàn này sẽ chỉ để trì hoãn điều không tránh khỏi mà thôi. Đây là lí do DeStRes được thành lập, và như anh có thể tưởng tượng, tôi phải vừa làm vừa học rất nhiều.
            Tôi không thể nào tả nổi trong mấy tháng đầu tiên tôi phải nhồi nhét bao nhiêu thứ thông tin vào trong cái bộ não già khô quắt này; nào là giao ban, nào là đi thanh tra… khi mà tôi có thời gian để ngủ, dưới gối bao giờ cũng là một quyển sách, mỗi đêm lại có một quyển mới, từ Henry J. Kaiser cho đến Võ Nguyên Giáp. Tôi cần mọi ý tưởng, mọi câu chữ, mọi gam kiến thức và trí tuệ để giúp tôi hàn gắn mảnh đất hoang tàn này lại và biến nó trở thành cỗ máy chiến tranh hiện đại của Mỹ. Nếu lúc bấy giờ bố tôi mà còn sống, ông chắc sẽ cười vào mặt cái sự đau khổ của tôi. Ông rất ủng hộ chính sách Kinh tế Mới, làm quan chức thân cận của FDR dưới vai trò kiểm soát viên bang New York. Ông sử dụng những cách thức mà bản chất gần như là Mác-xít, cái thể loại tập thể hóa mà có thể khiến Ayn Rand đội mồ dậy và gia nhập hàng ngũ bọn thây ma. Hồi trước tôi luôn tránh xa những bài học mà ông cố tìm cách truyền lại cho tôi, đâm đầu vào tận Phố Wall để không phải học. Giờ tôi đang vắt óc ra để nhớ lại. Có một thứ mà mấy tay Kinh tế mới ấy làm được giỏi hơn bất cứ thế hệ nào trong lịch sử nước Mỹ đó là tìm ra và khai thác được đúng thứ công cụ và tài năng.
            Công cụ và tài năng?
            Một thuật ngữ có lần con trai tôi nghe được trong phim. Tôi thấy nó tả khá chuẩn nỗ lực tái thiết của ta. “Tài năng” chỉ lực lượng lao động tiềm năng, mức độ chuyên nghiệp của lực lượng ấy, và cách thức tận dụng nguồn lao động đó một cách có hiệu quả. Thẳng thắn mà nói, nguồn tài năng của ta thấp ở mức kinh hoàng. Nền kinh tế của ta mang tính chất hậu công nghiệp hay nói cách khác là kinh tế dịch vụ, phức tạp và chuyên môn hóa cao đến độ mỗi cá nhân chỉ có thể hoạt động được trong khuôn khổ cấu trúc bó hẹp đã được phân hóa của mình. Anh đáng ra phải được đọc về vài cái “chức vụ” liệt ra trong bản điều tra dân số đầu tiên của chúng tôi; ai nấy cũng đều là một kiểu “điều hành viên”, một “nhà đại diện”, một “nhà phân tích” hay một “nhà tư vấn,” tất cả đều rất phù hợp với xã hội thời tiền chiến, nhưng tất cả lại đều không thích hợp với cuộc khủng hoảng hiện nay. Chúng ta cần thợ mộc, thợ xây, thợ máy, thợ làm súng. Vâng, đúng là chúng ta có những người đó nhưng lại không đủ số lượng cần thiết. Cuộc khảo sát lao động đầu tiên nói rõ rằng hơn 65 phần trăm lực lượng lao động dân sự hiện tại được liệt vào dạng F-6, không có nghề thích hợp. Chúng tôi cần có một chương trình tái đào tạo việc làm khổng lồ. Tóm lại, chúng ta cần bắt khá nhiều tay văn phòng đi lấm bùn.
            Nó diễn tiến rất chậm. Không có giao thông hàng không, đường bộ và đường sắt đang rối loạn cả lên, và còn nhiên liệu nữa, lạy Chúa nhân từ, đi dọc từ Blaine, Washington đến Imperial Beach, California không kiểm nổi một thùng xăng. Thêm vào đó là việc nước Mỹ thời tiền chiến không những có hệ thống cơ sở hạ tầng dành cho di chuyển xa mà nó còn gây tách biệt kinh tế nghiêm trọng. Có nguyên cả một khu ngoại ô toàn những người làm nghề thuộc tầng lớp thượng trung lưu, chẳng ai có ngay cả cái kiến thức cơ bản nhất để thay một cái cửa sổ vỡ. Những người biết về chuyện đó sống trong khu “ổ chuột” của những người lao động chân tay, đi bằng xe thời tiền chiến mất đến một giờ, nghĩa là nếu đi bộ sẽ mất nguyên ngày. Đừng có tưởng gì lung tung, lúc mới đầu hầu hết mọi người toàn di chuyển dựa vào đôi chân.
            Vấn đề cần giải quyết — không, thách thức, không có vấn đề nào ở đây hết — là mấy cái trại tị nạn. Có đến hàng trăm trại, có trại chỉ nhỏ ngang bãi để xe, có trại trải rộng ra đến hàng dặm, phân bố rải rắc khắp các vùng núi và bờ biển, chỗ nào cũng cần trợ giúp của chính phủ, toàn những khoản bòn rút rất kinh đối với các nguồn tài nguyên đang cạn kiệt một cách nhanh chóng. Trước khi lao vào đương đầu với các thách thức khác, việc dọn trống mấy cái trại này phải là ưu tiên số một. Bất cứ ai thuộc loại F-6 nhưng đủ khỏe mạnh trở thành lao động không chuyên: dọn dẹp gạch đá, thu hoạch mùa màng, đào mộ. Cần đào rất nhiều mộ. Bất cứ ai A-1, những người có kĩ năng thích hợp phục vụ cho chiến tranh gia nhập chương trình CSSP của chúng tôi, hay còn gọi là Chương trình Tự cung Tự cấp Cộng đồng (Community Self-Sufficiency Program). Một toán hướng dẫn viên ô hợp được giao nhiệm vụ truyền lại cho đám dân văn phòng suốt ngày ngồi một chỗ, bằng cấp đầy người những kiến thức cần thiết để tự sinh tồn được.
            Thành công vang dội. Trong vòng ba tháng lượng yêu cầu trợ cấp chính phủ giảm đáng kể. Tôi không thể nào nói hết được cái này quan trọng đối với chiến thắng của ta như thế nào. Nó giúp chúng tôi chuyển từ nền kinh tế sinh tồn, tổng bằng không sang nền sản xuất chiến tranh toàn diện. Đây chính là Đạo luật Tái giáo dục Quốc gia, qui trình phát triển tự nhiên của CSSP. Tôi có thể nói đây là chương trình huấn luyện việc làm lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới Thứ hai, thậm chí có thể còn là cấp tiến nhất trong lịch sử nước ta.
            Thỉnh thoảng đã có lúc ông nhắc đến những vấn đề NRA phải đối mặt…
            Tôi đang chuẩn bị nói đến phần đấy đây. Ngài tổng thống trao cho tôi quyền lực tôi cần để đối mặt với bất cứ thách thức nào về mặt vật chất cũng như hậu cần. Thật không may, thứ mà ngay cả ngài ấy cũng như bất cứ ai trên đời không thể trao cho tôi đó là quyền lực thay đổi cách nghĩ của người khác. Như tôi đã giải thích, nước Mỹ có một nguồn lực lao động bị phân hoá và trong nhiều trường hợp, sự phân hóa đó có bao hàm chút yếu tố văn hóa. Trong số các huấn luyện viên của chúng tôi, rất nhiều người là dân nhập cư thế hệ đầu. Đây là những người biết tự lo cho mình, biết cách sinh tồn với rất ít nguồn lực và lao động dựa trên những thứ sẵn có. Đây là những người sân sau có vườn tược, những người tự sửa nhà, những người giữ được cho đồ dùng điện máy chạy được lâu hết mức có thể. Việc những người này dạy cho số còn lại cách từ bỏ lối sống tiêu dùng thoải mái, ăn sãn là tối quan trọng mặc dù chính thành quả lao động của họ lại là thứ đã giúp ta duy trì lối sống đó.
            Vâng, phân biệt chủng tộc có tồn tại, nhưng cũng còn có cả phân biệt giai cấp nữa. Anh là luật sư có chức quyền cao cho một công ti. Cả đời anh chỉ xem xét hợp đồng, môi giới các giao dịch, nói chuyện trên điện thoại. Đó là sở trường của anh, đó là thứ đem lại tiền của cho anh và là thứ cho phép anh bỏ tiền ra thuê thợ đến sửa toa lét, giúp anh tiếp tục ngồi nói chuyện điện thoại. Anh càng làm nhiều, anh càng kiếm được nhiều, anh càng thuê được nhiều người để giúp anh không bị lãng phí thời gian và đi kiếm được thêm nhiều tiền hơn. Đời là như vậy đó. Nhưng một ngày kia nó đổi khác. Không ai cần người xem lại một hợp đồng hay môi giới một giao kèo mới. Nó chí cần toa lét được sửa. và đột nhiên người làm công kia lại trở thành thầy giáo hay thậm chí là sếp của anh. Với vài người, điều này còn đáng sợ hơn lũ thây ma.
            Có một lần, trong chuyến đi thực tế xuyên LA, tôi ngồi cuối một lớp tái giáo dục. Tất cả học viên đều đã từng nắm giữ các chức vụ cao trong ngành giải trí, một mớ tạp nham bao gồm người đại diện, quản lí, “giám đốc điều hành sáng tạo”, chả hiểu là cái chức gì nữa. Tôi hiểu sự miễn cưỡng, sự kiêu căng của họ. Trước chiến tranh, ngành giải trí là mặt hàng xuất khẩu đáng giá của Mỹ. Giờ họ lại đang được huấn luyện để trở thành bảo vệ cho một cơ xưởng vũ khí ở Bakersfield, California. Có một bà giám đốc tuyển diễn viên nổi khùng lên. Sao họ lại dám sỉ nhục bà ta như vậy! Bà có bằng MFA về lĩnh vực Khái niệm Sân khấu, bà ta đã tuyển diễn viên cho ba bộ phim truyền hình đạt doanh thu cao nhất trong năm phần vừa qua và giảng viên của bà ta có làm suốt mấy đời cũng không thể mơ thấy số tiền bà ta kiếm được trong một tuần! Bà ta cứ liên tục lôi tên cúng cơm của giảng viên minh ra mà réo. “Magda,” bà ta liên tục nói, “Magda, đủ lắm rồi. Magda, cho tôi xin.” Mới đầu tôi tưởng bà ta chỉ đang tỏ thái độ thô lỗ thôi, hạ nhục giảng viên thông qua việc không sử dụng chức danh của cô ấy. Sau này tôi mới biết cô Magda Antonova từng dọn dẹp nhà cửa cho bà này. Vâng, vài người rất khó chấp nhận chuyện đó, nhưng rất nhiều người trong số họ sau này thú nhận rằng công việc mới khiến họ cảm thấy thỏa mãn hơn so với những gì tương tự như nghề cũ của họ.
            Tôi có làm quen với một người trên chuyến phà ven biển đi từ Portland đến Seattle. Ông từng làm ở bộ phận cấp phép của một công ti quảng cáo, chuyên quản lí việc mua lại bản quyền các ca khúc nhạc rock kinh điển để dùng cho quảng cáo trên ti vi. Giờ ông là thợ nạo ống khói. Do phần lớn các ngôi nhà ở Seattle đã mất hệ thống sưởi trung tâm và mùa đông giờ ngày càng dài và lạnh, ông rất ít khi phải ngồi không. “Tôi giúp hàng xóm mình giữ ấm,” ông nói đầy tự hào. Tôi biết nói thế này nghe hơi bị Norman Rockwell quá, nhưng tôi liên tục nghe được những câu chuyện như thế. “Thấy mấy đôi giày kia không, tôi làm đấy,” “Nhìn cái áo len kia kìa, làm từ lông lũ cừu nhà tôi đấy,” “Thích mớ ngô chứ? Từ vườn tôi mà ra đấy.” Thành quả này có được nhờ một hệ thống mang tính địa phương hơn. Nó mang lại cho mọi người cơ hội được chứng kiến thành quả lao động của mình, đem lại cho họ cảm giác tự hào cá nhân khi biết họ đang có những đóng góp cụ thể, rõ ràng cho thắng lợi và nó cho tôi cảm thấy mình là một phần trong số đó. Tôi cần cái cảm xúc đó. Nó giúp giữ tôi tỉnh táo để thực hiện những nhiệm vụ khác của mình.
            Nói về “tài năng” thế là đủ rồi. “Công cụ” là những vũ khí chiến tranh, và những phương thức để sản xuất ra những thứ vũ khí đó, về mặt công nghiệp hoặc hậu cần.
            [Ông xoay ghế, chỉ vào một tấm ảnh phía trên bàn. Tôi nghiêng người gần lại và thấy rằng đó không phải ảnh mà là một cái nhãn được đóng khung.]
            Các thành phần:
            Mật từ Mỹ
            Đại hồi từ Tây Ban Nha
            Cam thảo từ Pháp
            Vani (rượu whisky ngô) từ Madagascar
            Quế từ Sri Lanka
            Đinh hương từ Indonesia
            Lộc từ Trung Quốc
            Dầu tiêu từ Jamaica
            Dầu nhựa thơm từ Peru
            Và đó mới chỉ đủ cho một chai nước hoa quả trong thời bình. Chúng ta còn chưa đả động đến những thứ như máy tính hay tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.
            Cứ thử hỏi một người bất kì xem quân Đồng minh giành thắng lợi trong cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ hai như thế nào. Những ai không biết nhiều sẽ trả lời đó là do quân số hay tài lãnh đạo của ta. Những người không biết gì hết sẽ bảo là nhờ những kì quan công nghệ như ra đa và bom nguyên tử. [Nhăn mặt.] Bất cứ ai với dù chỉ những hiểu biết sơ đẳng nhất về cuộc chiến đó sẽ nêu ra cho anh ba lí do thực sự: đầu tiên đó là khả năng sản xuất ra nhiều trang thiết bị hơn: nhiều đạn dược, đậu, và băng gạc hơn phe địch; thứ hai là các tài nguyên thiên nhiên có sẵn để sản xuất ra các thứ trang thiết bị đó; và thứ ba, các phương tiện hậu cần giúp chuyên chở những thứ tài nguyên đó đến nhà máy và cả chuyên chở những sản phẩm hoàn chỉnh được xuất xưởng ra tiền tuyến. Quân đồng minh có nguồn tài nguyên, có phân xưởng công nghiệp, và nguồn lực hậu cần của cả hành tinh. Mặt khác, phe Phát xít phải sống dựa vào những thứ tài nguyên hiếm hoi chúng kiếm được trong khu vực lãnh thổ của mình. Lần này chúng ta là phe Phát xít. Bọn thây ma kiểm soát phần lớn phần đất liền trên thế giới, trong khi hoạt động sản xuất chiến tranh của nước Mỹ dựa trên những gì thu hoạch được trong phạm vi những bang miền Tây. Đừng mất công nghĩ đến nguyên liệu thô từ các vùng an toàn ở các nước khác; hạm đội tàu giao thương của ta đang mang dân tị nạn chật kín khoang trong khi hầu hết lực lượng hải quân đều đang phải nằm lại ở cảng do thiếu thốn nhiên liệu.
            Chúng ta cũng có vài lợi thế. Căn cứ nông nghiệp ở California ít nhất cũng có thể xóa bỏ nạn đói nếu tái cấu trúc lại được. Mấy tay trồng quýt không chịu yên lặng ra đi, cả đám chủ trang trại cũng thế. Mấy trùm thịt bò nắm trong tay rất nhiều đất màu mỡ có tiềm năng nông nghiệp mới là tệ hại nhất. Anh đã nghe đến cái tên Don Hill chưa? Đã xem bộ phim Roy Elliot làm dựa trên hắn chưa? Khi ấy bệnh dịch lây đến thung lũng San Joaquin, bọn thây ma tràn quà hàng rào nhà hắn, tấn công lũ gia súc, xé xác chúng ra như kiến lửa Châu Phi vậy. Và hắn đứng ngay giữa trung tâm, vừa bắn vừa gào rống như Gregory Peck trong phim Duel in the Sun. Tôi làm việc với hắn một cách rất công khai, trung thực. Cũng như với những người khác, tôi đưa cho hắn hai lựa chọn. Tôi nhắc cho hắn nhớ rằng mùa đông đang đến và vẫn còn đang rất nhiều người chết đói lang thang ngoài kia. Tôi cảnh báo hắn rằng khi đám người tị nạn đói khát đến hoàn thành nốt công việc bọn thây ma đã khởi xướng, hắn sẽ không được chính phủ bảo hộ. Hill là một tay cứng đầu, gan dạ nhưng hắn không ngu. Hắn đồng ý giao lại đất đai và đám gia súc của hắn với điều kiện là không ai đụng vào con giống của hắn và những người khác. Chúng tôi đồng ý.
            Thịt nướng mềm mại, ngon ngọt — anh còn có thể nghĩ ra một biểu tượng nào khác thích hợp hơn cho cái lối sống thời tiền chiến của ta không? Và chính cái lối sống ấy đã trở thành lợi thế thứ hai của ta. Nguồn tài nguyên của ta chỉ có thể được bổ túc bằng cách tái chế. Điều này chẳng có gì là mới cả. Bên Israel đã bắt đầu thực hiện chuyện ấy ngay khi họ đóng cửa biên giới và kể từ đó quốc gia nào cũng áp dụng hình thức này không theo cách này thì cách khác. Tuy nhiên, khối lượng tái chế dự trữ của họ không thể nào sánh với những gì ta có. Cứ thử nghĩ về cuộc sống ở nước Mỹ thời tiền chiến đi. Ngay cả những người thuộc dạng trung lưu cũng đều được tận hưởng hoặc coi là dĩ nhiên một mức độ tiện nghi về vật chất mà bất cứ quốc gia nào ở bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử đều chưa từng nghe đến. Chỉ tính riêng ở lưu vực Los Angeles, số lượng áo quần, đồ làm bếp, đồ điện tử, xe cộ đã gấp ba lần số dân thời trước chiến tranh rồi. Mỗi ngôi nhà, mỗi khu vực đều có đến hàng triệu chiếc xe ra vào. Chúng ta có cả một ngành công nghiệp với hơn trăm ngàn người làm việc ba ca một ngày, bảy ngày một tuần: thu thập, phân loại, tháo dỡ, lưu trữ và chuyển các bộ phận, mảnh miếng đến các nhà máy ở ven biển. Cũng có chút rắc rối, như mấy tay chăn gia súc, chẳng ai lại muốn đem giao nộp chiếc Hummer hay mấy chiếc xe Ý cổ. Buồn cười thật, chẳng còn tí xăng nào để chạy chúng nhưng người ta vẫn cứ cố giữ lấy. Tôi cũng không bận tâm chuyện đó mấy. So với mấy căn cứ quân sự thì đối phó với họ đúng là một ân huệ.
            Trong số các đối thủ của tôi, đám khó nhằn nhất có lẽ là những người mặc quân phục. Tôi không có quyền kiểm soát trực tiếp bất cứ bộ phận R&D nào của họ, họ được thoải mái bật đèn xanh cho bất cứ thứ gì họ muốn. Nhưng do hầu hết các chương trình của họ đều được giao cho các nhà thầu dân sự và các nhà thầu ấy lại cần đến nguồn tài nguyên do DeStRes kiểm soát, tôi mới là người nắm quyền kiểm soát thực sự. “Ông không thể đem vứt xó chỗ Máy bay Ném bom Tàng hình của chúng tôi được,” họ gào lên. “Ông là cái của khỉ gì mà dám ngưng việc sản xuất xe tăng của chúng tôi?” Mới đầu tôi còn tìm cách tranh luận với họ: “Mấy chiếc M-1 Abram có động cơ phản lực. Anh lấy đâu ra nhiên liệu cho nó bây giờ? Tại sao lại cần máy bay tàng hình để chống lại một kẻ địch không có ra đa?” Tôi cố làm cho họ hiểu rằng cứ dựa trên những gì ta có so với những gì chúng ta đang phải đối mặt, đơn giản là lượng vốn bỏ ra phải đem lại mức lợi nhuận cao nhất, còn theo cách nói của họ là đáng đồng tiền bát gạo nhất. Họ thật không thể chịu đựng nổi, cứ gọi điện liên tục hoặc xông thẳng lên văn phòng tôi mà không thèm hẹn trước. Chắc tôi cũng không thể trách cứ gì được họ, nhất là sau cái cách chúng ta đối xử với họ sau cuộc xung đột biên giới vừa rồi, và đặc biệt không thể sau khi họ bị giần cho tơi bời ở Yonkers. Họ đang đứng trên bờ vực sụp đổ, và rất nhiều người cần chỗ xả giận.
            [Ông cười tự tin.]
            Tôi bắt đầu sự nghiệp của mình trên sàn giao dịch ở NYSE, vậy nên tôi có thể quát to và dai ngang bất cứ ông trung sĩ huấn luyện chuyên nghiệp nào. Sau mỗi “cuộc họp”, tôi lại trông chờ một cuộc gọi, cái cuộc gọi mà từ lâu tôi đã vừa sợ hãi vừa hi vọng được nhận: “Ông Sinclair, tổng thống đây, xin cảm ơn sự cống hiến của ông và bây giờ chúng tôi sẽ không còn cần…” [Cười.] Cuộc gọi ấy chẳng bao giờ đến. Chắc chẳng ai ham hố công việc này.
            [Nụ cười ông tắt dần.]
            Tôi không có ý nói rằng tôi không phạm sai lầm. Tôi biết tôi hơi cứng nhắc đối với Bộ phận Khinh khí cầu của không lực. Tôi không hiểu nổi các giao thức an ninh của họ cũng như khinh khí cầu có người lái thì giúp ích được gì trong chiến tranh chống thây ma. Tôi chỉ biết rằng do nguồn khí heli có quá ít, thứ khí nâng đạt hiệu quả chi phí cao nhất là hidro và tôi sẽ không đời nào phung phí nhân mạng hay của cải vào vào một cái hạm đội Hindenburg thời hiện đại. Tôi cũng phải được đích thân ngài tổng thống thuyết phục cho mở lại dự án nhiệt hạch lạnh đang thử nghiệm ở Livermore. Ông nói rằng cho dù ít nhất cũng phải mấy thập kỉ nữa mới có bước đột phá thì “lên kế hoạch cho tương lai sẽ cho người dân thấy họ vẫn có tương lai.” Tôi quá bảo thủ đối với một số dự án, trong khi với các dự án khác tôi lại quá phóng khoáng.
            Dự án Áo Vàng — Giờ tôi vẫn thấy day dứt mỗi khi nghĩ về nó. Mấy tay đầu to mắt cận ở Thung lũng Silicon Valley, toàn các thiên tài trong lĩnh vực của mình, chính họ đã thuyết phục tôi rằng họ có một “vũ khí kì diệu” mà trên lí thuyết có thể giúp giành chiến thắng chỉ trong vòng bốn mươi tám tiếng kể từ khi được triển khai. Họ có thể chế tạo những tên lửa tí hon, hàng triệu quả, kích thước ngang cỡ đạn rimfire 22 mili, có thể được phóng dàn trải ra từ máy bay chuyên chở và rồi dùng vệ tinh nhắm vào não của mọi con zombie ở Bắc Mỹ. Nghe kêu phết, đúng không? Cá nhân tôi thấy thế.
            [Ông tự lẩm bẩm.]
            Cứ khi nào nghĩ về những gì mình đã đổ vào đó, những gì đáng ra chúng ta đã có thể sản xuất được… ôiii… giờ nuối tiếc cũng vô ích.
            Đáng ra trong suốt giai đoạn chiến tranh tôi đã phải đối đầu với quân đội, nhưng tôi rất mừng là cuối cùng tôi đã không phải làm vậy. Khi Travis D’Ambrosia trở thành chủ tịch Bộ Tham Mưu, ông ấy không chỉ đề ra tỉ lệ tài-nguyên-trên-hiệu-suất-tiêu-diệt, viết tắt là RKR39 mà còn đưa ra cả một chiến lược bao hàm để thực hiện nó. Tôi luôn lắng nghe mỗi khi ông bảo tôi một loại vũ khí nào đó nắm vai trò chiến lược. Tôi rất tin cậy ý kiến của ông về những vấn đề như Quân phục Chiến đấu mới hay Súng trường Bộ binh Tiêu chuẩn.
            Điều tuyệt vời nhất đó chính là văn hóa RKR bắt đầu được lan truyền dần trong hàng ngũ quân đội. Trên các con phố, quầy rượu, trên tàu anh có thể nghe thấy lính tráng bàn tán; “Tại sao phải dùng X khi với cùng một giá sản xuất ra được chục cái Y mà lại có thể giết được nhiều Z hơn đến hàng trăm lần.” Hội nhà binh bắt đầu tự phát kiến ra những ý tưởng, chế tạo ra nhiều công cụ đem lại hiệu quả chi phí cao hơn bất cứ thứ gì chúng tôi hình dung ra được. Tôi nghĩ họ khoái như thế lắm — sáng chế, thích ứng lại, nghĩ xa hơn đấm quan chức chúng tôi. Bên lục quân làm tôi ngạc nhiên nhất. Tôi trước giờ vẫn cứ nghĩ họ toàn lũ Neanderthal đầu khấc trán ngắn, vung tay đánh đấm, mồm mép cứng đơ, dư thừa testosterone. Tôi không ngờ nổi rằng lực lượng này luôn phải lấy đồ ở bên thủy quân, và vì các vị đô đốc chẳng bao giờ mặn mà gì lắm với chiến tranh trên cạn nên ứng biến luôn là một trong những phẩm chất được trọng vọng nhất của họ.
            [Sinclair chỉ về phần tường đối diện phía trên đầu tôi. Trên đấy có treo một cây gậy sắt nặng trịch, phía đuôi là một thứ gì đó lai tạp giữa xẻng và rìu chiến hai lưỡi. Tên chính thống của nó là Dụng cụ Đào hào Bộ binh Tiêu chuẩn, tuy nhiên phần lớn lại gọi nó là “Gậy thông não” hay đơn giản chỉ là cái “Thông não.”]
            Hội lính lục quân chế ra cái đó đấy, chỉ dùng có mỗi thép tái chế được từ xe hơi. Trong thời chiến chúng ta sản xuất ra hơn hai mươi ba triệu chiếc.
            [Ông mỉm cười đầy hãnh diện.]
            Và bây giờ chúng vẫn được sản xuất thêm.
            BURLINGTON, VERMONT
            [Mùa đông năm nay đến muộn hơn. Kể từ khi chấm dứt chiến tranh, năm nào nó cũng đến muộn như vậy. Tuyết phủ trắng các ngôi nhà cũng như các khu nông trại quanh đó, đóng băng cây cối lại và che đi con đường đất cạnh bờ sông. Nơi đây mọi thứ trông đều thật thanh bình, ngoại trừ cái người đàn ông đang đi bên cạnh tôi. Ông nhất quyết bắt tôi gọi ông là “lão khùng” bởi vì “ai cũng gọi tôi như thế, khách khí làm gì?” Ông bước đi rất nhanh nhẹn và mạnh bạo, chiếc gậy mà vị bác sĩ (kiêm vợ ông) đưa cho chỉ được dùng để khua khoắng lung tung.]
            Thật tình mà nói, tôi chẳng ngạc nhiên khi mình được đề cử vào vị trí phó tổng thống. Ai cũng biết một đảng liên hiệp là điều không thể tránh khỏi. Tôi là một ngôi sao sáng, ít nhất là cho đến khi tôi “tự hủy.” Họ nói tôi như thế đúng không? Toàn lũ chết nhát và đạo đức giả, thà chết chứ không dám nhìn một người đàn ông thực thụ thể hiện đam mê của mình. Nếu tôi không phải chính trị gia đệ nhất thế giới thì đã sao? Tôi nói những gì tôi cảm nhận được, và tôi không ngại nói toạc móng heo ra. Đây là một trong những lí do chính khiển tôi trở thành một lựa chọn hợp lí cho vi trí phụ lái. Chúng tôi phối hợp rất ăn ý; ông ấy là nguồn sáng, tôi là nguồn nhiệt. Đảng phái khác nhau, tính cách khác nhau, và nói thẳng ra là cả màu da cũng khác nhau nữa. Tôi biết mình không phải lựa chọn số một. Tô biết bên đảng của tôi muốn ai lên. Nhưng nước Mỹ chưa sẵn sàng đi xa đến thế, mặc dù nó nghe thật là ngu si, xuẩn ngốc và cực kì cổ hủ. Họ thà để một tay cấp tiến phổi bò lên làm phó tổng thống còn hơn ai đó trong số “những người kia.” Vậy nên tôi không ngạc nhiên chuyện mình được đề cử. Tôi ngạc nhiên với tất cả mọi thứ khác.
            Ý ông là các cuộc bầu cử à?
            Bầu cử? Honolulu vẫn chẳng khác nào cái nhà thương điên; binh lính, thượng nghị sĩ, người tị nạn, ai nấy đều cứ chạy loạn hết cả vào với nhau để kiếm thức ăn, chỗ ngủ hay tìm hiểu xem cái quái gì đang xảy ra. Và so với khu vực đất liền thì đây còn là thiên đường. Phòng tuyến Rocky vừa mới được thiết lập; toàn bộ khu vực phía Tây của nó là vùng chiến sự. Tại sao phải mất công bầu cử lằng nhằng nếu có thể bắt Quốc hội bỏ phiếu ủng hộ gia hạn quyền lực trong trường hợp khẩn? Tổng chưởng lí đã thử cách này khi hắn còn là thị trưởng New York, và cũng tí nữa thì thành công. Tôi giải thích với tổng thống rằng chúng ta không có đủ nhân lực cũng như tài nguyên để làm bất cứ thứ gì khác ngoài đấu tranh sinh tồn.
            Ông ấy nói gì?
            Ờ thì, đại khái là thuyết phục tôi thay đổi suy nghĩ.
            Ông có thể giải thích thêm không?
            Tôi giải thích được, nhưng tôi không muốn trích sai lời ông ấy. Đống nơ-ron già cỗi này giờ không còn hoạt động được như xưa nữa.
            Xin ông hãy cứ thử.
            Anh sẽ đến thư viện kiểm chứng lại chứ?
            Tôi xin hứa.
            Rồi… chúng tôi đang ở trong văn phòng tạm thời của ông, cái khách sạn đóng vai “dinh tổng thống”. Ông vừa được tuyên thệ nhậm chức trên chiếc Không Lực Hai. Sếp cũ của ông ta đang được nghỉ dưỡng ở phòng bên cạnh. Từ cửa sổ anh có thể chứng kiến khung cảnh hỗn loạn trên phố, cảnh thuyền ngoài khơi xếp hàng chuẩn bị cập cảng, cảnh máy bay hạ cánh cứ ba mươi giây một chiếc và đội thợ máy dưới mặt đất đưa chúng ra khỏi đường băng để lấy chỗ cho các chiếc khác. Tôi chỉ về phía đó, vừa chỉ trỏ vừa lớn giọng thể hiện cái nhiệt huyết trứ danh của mình. “Chúng ta cần có một chính phủ ổn định, và cần gấp!” Tôi nói đi nói lại. “Trên lí thuyết thì bầu cử cũng ổn nhưng giờ không phải lúc lôi lí tưởng cao xa ra.”
            Ngài tổng thống rất bình tĩnh, bình tĩnh hơn tôi nhiều. Chắc nhờ được huấn luyện trong quân đội… ông nói với tôi, “Đây là lúc duy nhất ta cần viện đến lí tưởng cao xa bởi vì giờ ta chỉ còn có những lí tưởng ấy mà thôi. Chúng ta không chỉ đẩu tranh để bản thân được sống sót, mà còn phải đấu tranh để nền văn minh của chúng ta vẫn còn tồn tại được. Chúng ta không có trụ cột nâng đỡ. Chúng ta không có di sản kế thừa chung, không có lịch sử hàng triệu năm. Gắn kết chúng ta chỉ có những mơ ước và hứa hẹn. Tất cả những gì chúng ta có… [cố hồi tưởng lại]… tất cả những gì chúng ta có là những gì chúng ta muốn trở thành.” Anh hiểu ý ông ấy chứ. Đất nước này chỉ tồn tại bởi vì nhân dân tin vào nó, và nếu nó không đủ mạnh mẽ để bảo vệ chúng ta trong lúc nguy biến như thế này thì nó còn tương lai gì để mà hi vọng gì được nữa? Ông ấy biết nước Mỹ cần có một Caesar, nhưng trở thành một người như thế sẽ đặt dấu chấm hết cho nước Mỹ. Họ nói thời thế tạo anh hùng. Tôi không tin thế. Tôi đã chứng kiến rất nhiều sự yếu đuối, rất nhiều những thứ nhơ bẩn. Những người đáng ra phải xông pha gánh vác thì lại không thể hoặc không dám làm. Lòng tham, nỗi sợ hãi, sự ngu xuẩn, và lòng căm thù. Tôi đã chứng kiến những điều ấy từ trước đến nay, bây giờ tôi vẫn bắt gặp. Sếp tôi là một con người vĩ đại. Chúng ta thật may tận mạng mới có được ông ấy.
            Việc bầu cử đã định hướng cho toàn bộ bộ máy chính quyền của ông. Rất nhiều đề xuất ông đưa ra mới đầu nghe rất điên rồ, nhưng một khi chúng ta đi qua được lớp lang đầu tiên, anh sẽ nhận ra rằng dưới đó tồn tại một lôgíc cốt lõi không thể bác bỏ được. Cứ nhìn vào đống luật trừng phạt mới xem, cái mớ đó làm tôi phát điên. Nhốt người ta vào cũi? Vụt roi công khai ngay giữa quảng trường!?! Quái gì đây, Old Salem à, Afghanistan của Taliban à? Nghe thật mọi rợ, thật không giống bản chất người Mỹ chút nào, nhưng khi thực sự đầu tư suy nghĩ về các lựa chọn thì lại khác. Biết làm gì với lũ trộm cắp bây giờ, tống chúng vào tù à? Làm thế giúp gì được cho ai? Sao lại có thể bắt những công dân có khả năng lao động đi nuôi ăn, nuôi mặc và canh gác các công dân có khả năng lao động khác? Quan trọng hơn, tại sao lại loại bỏ hình phạt trong khi chúng có thể trở thành vật cản hữu dụng đến vậy? Vâng, người ta sợ đau đớn — sợ đòn roi, sợ gậy gộc — nhưng nó chưa là gì khi so với bị lăng nhục trước công chúng. Ai cũng sợ tội lỗi của mình bị phanh phui. Khi mọi người đang đoàn kết lại, giúp đỡ lẫn nhau, tìm cách bảo vệ và chăm lo cho nhau, không hình phạt gì có thể tệ bằng việc dắt người ta ra giữa quảng trường với cái biển to đùng ghi chữ “Tôi Trộm Củi Của Hàng Xóm.” Nỗi nhục là một vũ khí rất mạnh, nhưng nó phụ thuộc vào việc liệu mọi người có làm việc tử tế không. Không ai được phép đứng trên pháp luật, và được chứng kiến cảnh một thượng nghị sĩ ăn mười lăm roi do trục lợi chiến tranh có thể giúp giảm tỉ lệ phạm tội tốt hơn là cho cảnh sát đứng trực khắp các nẻo đường. Ừ thì cũng có các băng nhóm, nhưng đây là lũ hay tái phạm, đã được cho rất nhiều cơ hội rồi. Tôi vẫn nhớ quan chưởng lí có đề xuất rằng chúng ta tống hết chúng vào vùng bị nhiễm bệnh, đỡ cho ta phải hao phí nhân lực và không phải lo đối phó với những mối hiểm họa tiềm tàng khi chúng còn ở đây. Cả ngài tổng thống và tôi đều phẩn đối đề xuất ấy; tôi phản bác dựa trên cơ sở đạo đức, của tổng thống dựa trên cơ sở thực tiễn. Đây vẫn là đất thuộc lãnh thổ của Mỹ, đúng là có bị nhiễm bệnh đấy, nhưng ta vẫn hi vọng có một ngày giải phóng được. “Chúng ta thực sự không muốn,” ông nói “phải đối đầu với mấy tay tù tội này khi chúng đã trở thành Tân Lãnh Chúa của Duluth.” Tôi cử tưởng ông đang đùa nhưng về sau, khi đã được chứng kiến chuyện đó xảy ra ở một số nước khác, chứng kiến cảnh những phạm nhân bị đày ra ngoài lên nắm quyền kiểm soát những thái ấp cô lập và trong vài trường hợp là hùng mạnh, tôi nhận ra chúng tôi vừa né được một một phát đạn rất hiểm. Đám băng nhóm là cả một vấn đề đối với chúng tôi về mặt chính trị, xã hội và cả kinh tế nữa, nhưng chúng tôi còn biết làm gì với những kẻ không muốn hợp tác với người khác?
            Ông có sử dụng hình phạt tử hình đúng không?
            Chỉ những trường hợp cực đoan quá thôi: kích động nổi loạn, phá hoại, âm mưu li khai chính trị. Zombie không phải kẻ thù duy nhất, ít nhất hồi đầu là vậy.
            Còn những người theo trào lưu chính thống thì sao?
            Chúng tôi cũng có một số tay tôn giáo chính thống, có nước nào không có đâu? Rất nhiều tên nghĩ rằng chúng ta đang làm trái với ý Chúa.
            [Ông cười khẩy.]
            Xin lỗi nhé, tôi phải biết giữ ý hơn, nhưng mà thật tình, chẳng lẽ đáng sáng tạo tối cao của vô vàn vũ trụ lại để kế hoạch của mình bị vài anh Vệ binh Quốc gia Arizona làm cho lung lay à?
            [Ông vẩy tay xua suy nghĩ ấy đi.]
            Chúng thu hút được chú ý dư luận nhiều hơn mức cho phép, tất cả chỉ vì thằng điên đó định ám sát tổng thống. Thực chất, chúng là mối nguy với chính mình nhiều hơn, cứ nhìn vào mấy vụ tự sát tập thể, mấy vụ giết trẻ con “nhân đạo” ở Medford đó… toàn chuyện kinh khủng. Bọn “Greenies”, phiên bản cánh trái của lũ chính thống cũng chẳng hơn gì. Chúng tin rằng vì thây ma chỉ ăn thịt thú vật nhưng lại không chạm vào cây cối nên ý chỉ của “Thánh Nữ” là phải đặt thực vật lên trên động vật. Chúng gây rối một chút, đỏ thuốc diệt cỏ vào nguồn cung cấp nước của thành phố, đặt bẫy trên cây để ngăn không cho thợ đốn gỗ sử dụng chúng phục vụ sản xuất chiến tranh. Cái thể loại khủng bố sinh thái này lên báo ầm ầm nhưng không ảnh hưởng gì lắm đến an ninh quốc gia. Lũ Rebs thì lại khác: bọn li khai chính trị được vũ trang, có tổ chức. Đây có lẽ là mối họa hiển hiện nhất đối với ta. Đây cũng là lần duy nhất tôi thấy ngài tổng thống lo lắng. Ông không để lộ ra, giấu chúng dưới lớp mặt nạ ngoại giao trang nghiêm. Ở chỗ công cộng, ông coi nó chỉ như một “vấn đề” kiểu chia lương thực hay tu sửa cầu đường. Khi ở chỗ riêng tư ông nói… “Chúng phải được tiễu trừ nhanh chóng, dứt khoát, và bằng mọi biện pháp.” Tất nhiên ông chỉ nói về những tay đang ở trong vùng an toàn khu vực phía Tây. Lũ nổi loạn cực đoan này hoặc là không ưa chính sách thời chiến của chính phủ hoặc đã định li khai từ mấy năm trước rồi và chỉ mượn cuộc khủng hoảng này làm cái cớ. Đây chính là “kẻ thù của quốc gia,” bè lũ thù trong mà bất cứ ai đã từng tuyên thệ bảo vệ tổ quốc đều có nhắc đến trong lời thề của mình. Chúng tôi chẳng cần đắn đo khi tim cách giải quyết thích hợp cho chúng. Nhưng bọn li khai ở phía đông dãy Rocky, lũ đang ở trong các vùng bao vây bị cách li… đây mới là lúc mọi thứ trở nên “phức tạp.”
            Tại sao vậy?
            Bởi vì, như người ta nói là “Chúng tôi không bỏ rơi nước Mỹ. Nước Mỹ bỏ rơi chúng tôi.” Nó cũng có nhiều cái đúng. Chúng ta đã bỏ rơi họ. Đúng, chúng ta có để lại một số chiến sĩ Biệt Kích tình nguyện, cố thử tiếp tế cho họ bằng đường không và đường biển, nhưng đứng trên quan điểm đạo đức, họ thực sự đã bị bỏ rơi. Tôi không thể trách chuyện họ muốn tự đi theo con đường của mình, chẳng ai có quyền làm thế. Đó là lí do khi bắt đầu thu hồi lại những vùng lãnh thổ bị mất, chúng ta đều cho các vùng đất li khai cơ hội tái nhập hòa bình.
            Nhưng bạo lực đã có xảy ra.
            Giờ tôi vẫn còn gặp ác mộng, những nơi như Bolivar và Black Hills. Tôi chưa từng được tận mắt thấy mấy bức ảnh, không thấy cảnh bạo lực hay hậu quả của nó. Tôi lúc nào cũng thấy sếp mình, một con người cao lớn, mạnh mẽ, tràn đầy sinh lực càng lúc càng yếu ớt, xanh xao. Ông đã trải qua rất nhiều, vác trên vai cả một gánh nặng lớn lao. Anh có biết ông không hề thử tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy đến với họ hàng mình ở Jamaica không? Thậm chí còn không thèm hỏi. Ông dồn toàn tâm toàn trí vào vận mệnh quốc gia, quyết tâm bảo vệ giấc mơ đã tạo nên nó. Tôi không biết liệu thời thế có tạo ra anh hùng không, nhưng tôi biết nó có thể giết chết họ.
            WENATCHEE, WASHINGTON
            [Nụ cười của Joe Muhammad toe toét, rộng như đôi vai của anh vậy. Mặc dù công việc chính của anh là chủ tiệm chủ hàng sửa xe đạp của thị trấn, anh dành thời gian rảnh rỗi điêu khắc kim loại nóng chảy, biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật tinh tế. Anh nổi tiếng nhờ bức tượng đồng đặt phía trên khu thương xá ở Washington, D.C., đó chính là Đài tưởng niệm Đội An ninh Khu vực bao gồm hai công dân đang đứng thẳng, và một người đang ngồi trong chiếc xe lăn.]
            Cái cô tuyển dụng trông lo ra mặt. Cô ta cố tìm cách thuyết phục tôi từ bỏ ý định. Tôi đã nói chuyện với đại diện bên NRA chưa? Tôi đã biết về những công việc cần thiết phục vụ cho chiến tranh khác chưa? Mới đầu tôi chẳng hiểu gì cả; tôi lúc bấy giờ đang làm trong một nhà máy tái chế. Đây chính là mục đích của Đội An ninh Khu vực mà, đúng không? Đây là một dịch vụ tình nguyện bán thời gian sau khi đi làm về. Tôi thử giải thích điều này với cô ta. Chắc có gì đó tôi không hiểu. Trong khi cô ta còn đang viện ra những lí do nửa mùa vớ vẩn, tôi để ý thấy cô ta đánh mắt về phía cái xe lăn của tôi.
            [Joe bị tàn tật.]
            Anh tin nổi không? Nạn diệt chủng đang đến tận nhà gõ cửa mà con mụ này còn muốn cư xử sao cho không khiếm nhã cơ à? Tôi cười. Tôi cười thẳng vào mặt mụ ta. Sao, mụ ấy nghĩ tôi vác xác đến đây mà không biết trước nhiệm vụ mình phải làm gì à? Cái con mụ đần độn này có thèm đọc cẩm nang an ninh của mình không vậy? Tôi đọc rồi. Cái chương trình NST này mục đích là để tuần tra khu phố của mình, đi bộ hoặc, như trong trường hợp của tôi, lăn bánh dọc quanh các vỉa hè, dừng lại kiểm tra mỗi nhà. Nếu vì bất cứ lí do gì mà phải đi vào trong nhà, ít nhất phải có hai thành viên đứng đợi ngoài phố. [Chỉ về phía mình.] Đây! Và mụ ta nghĩ chúng ta đang phải đối mặt với cái gì? Mình đâu phải nhảy rào hay chạy băng qua sân bãi để đuổi theo chúng. Chúng tự mò đến chỗ chúng ta. Và khi chúng làm vậy, cứ giả sử là chúng đến đông quá xử lí không nổi đi nhé? Mẹ kiếp, nếu tôi không lăn nhanh được hơn bọn zombie, tôi sao mà thọ được đến tận bây giờ? Tôi bình tĩnh trình bày trường hợp của mình một cách rất mạch lạc, và thậm chí tôi còn thách mụ ta đưa ra một tình huống mà thể trạng của tôi sẽ là một vấn đề. Mụ ta chịu. Mụ lẩm bẩm gì đó về việc phải hỏi lại ý kiến CO của mụ, và hỏi rằng liệu mai tôi có thể quay lại không. Tôi không chịu, tôi bảo với mụ rằng cứ gọi CO của mụ đi, và gọi cả CO của hắn hay bất cứ ai, đến ngay cả lão Gấu40 cũng được, nhưng tôi sẽ không đi đâu hết cho đến khi nào có được cái áo cam. Tôi quát to đến mức ai nấy trong phòng đều nghe thấy hết. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía tôi, rồi về phía mụ ta. Thế là xong. Tôi được nhận áo và đi ra khỏi đó sớm hơn bất cứ ai khác trong ngày.
            Như tôi đã nói, An ninh Khu vực là phải tuần tra khu phố. Đây là một đơn vị bán quân sự; chúng tôi phải đi nghe giảng và tham gia khóa huấn luyện. Có chỉ huy và các điều lệ, nhưng chúng tôi chẳng bao giờ phải giơ tay chào hay gọi người ta là “ngài” hay thứ gì đại loại như thế. Gàn như cũng không có qui định gì về việc vũ trang cả. Hầu hết là đồ đánh giáp lá cà — rìu, gậy, mấy cái xà beng và dao phay — chúng tôi lúc đó chưa có cái Thông não. Trong đội ít nhất phải có ba người mang súng. Tôi mang khẩu AMT Lightning, súng cạc bin bán tự động bắn đạn .22 mili. Nó không bị giật nên tôi có thể bắn mà không cần phải khóa bánh lại. Đây là một khẩu súng tốt, nhất là khi đạn dược được tiêu chuẩn hóa và vẫn còn có bán.
            Nhân sự các đội thay đổi tùy theo lịch của mọi người. Hồi đó mọi thứ khá hỗn loạn, DeStRes đã tái cơ cấu mọi thứ. Ca đêm khá khó nhằn. Người ta đã quên rằng ban đêm nó thực sự tối như thế nào khi không có đèn đường. Cũng chẳng có mấy ánh đèn từ nhà dân rọi ra. Hồi đó mọi người đi ngủ sớm lắm, thường cứ tối trời là lên giường rồi, vậy nên ngoài mấy ánh nến hoặc nếu ai đó có giấy phép sử dụng máy phát điện, nếu chẳng hạn họ đang làm công việc cần thiết phục vụ cho chiến tranh tại gia, thì nhà nào cũng tối om. Đến cả trăng sao còn chẳng có, khí quyển chứa nhiều thứ rác rưởi quá rồi. Chúng tôi dùng đèn pin đi tuần, loại đèn dân sự mua ngoài hàng; hồi đó vẫn còn pin, đầu dán giấy bóng kính đỏ để bảo vệ tầm nhìn đêm. Chúng tôi dừng lại ở mỗi khu nhà, gõ cửa, hỏi người đang ca gác xem có vấn đề gì không. Mấy tháng đầu thì có hơi đáng sợ chút vì cái chương trình tái định cư. Có nhiều người ra trại đến mức mỗi ngày có đến hàng chục người hàng xóm mới, thậm chí là bạn ở cùng nhà.
            Hồi trước chiến tranh, khi còn sống ở khu ngoại ô Stepford, tôi không hề nhận ra chúng ta sung sướng thế nào. Tôi có thực sự cần một căn nhà rộng gần nghìn mét vuông với ba phòng ngủ, hai phòng tắm, một căn bếp, một phòng khách, một phòng làm việc và nguyên cái văn phòng không? Tôi sống một mình được mấy năm thì đột nhiên một ngày có cả một gia đình sáu người từ Alabama đến với thư từ của Bộ Gia Cư. Mới đầu kể cũng hơi sợ sợ nhưng rồi quen nhanh lắm. Tôi không thấy phiền hà gì với gia đình nhà Shannon, tên cái gia đình đó đó. Chúng tôi chung sống cũng hòa thuận, và khi có người đứng gác tôi ngủ ngon hơn. Đây là một đạo luật mới cho những người ở nhà. Luôn phải có một người làm gác đêm. Chúng tôi có ghi danh hết họ lại để đẳm bảo đây không phải phường trộm cắp. Chúng tôi xem chứng minh thư, xem mặt, hỏi xem mọi thứ quanh đây có yên ắng không. Thường thì họ bảo là có, hoặc báo lại mấy tiếng ồn mà chúng tôi phải đi kiểm tra. Đến năm thứ hai, khi người tị nạn không còn xuất hiện thêm nữa và mọi người quen nhau hết rồi, chúng tôi chả buồn kiểm tra danh sách với chứng từ gì hết nữa. Khi ấy mọi thứ bình ổn hơn. Còn cái năm đầu tiên, khi bên cảnh sát vấn còn đang cải tổ lại và khu an toàn vẫn chưa hoàn toàn được bình định…
            [Rùng mình tạo hiệu ứng.]
            Vẫn còn khá nhiều nhà bị bỏ hoang, lỗ chỗ vết đạn hoặc bị đột nhập vào hoặc chỉ đơn giản là rỗng tuếch, cửa nẻo mở toang. Chúng tôi dấn băng cảnh sát lên khắp các cửa, kể cả cửa sổ. Nếu có cái nào bị đứt, điều ấy nghĩa là trong nhà có zombie. Chuyện đó có xảy ra mấy lần rồi. Tôi đợi ở ngoài, súng lên đạn sẵn. Thỉnh thoảng có nghe thấy tiếng hét, đôi khi là tiếng súng. Có lúc còn nghe thấy tiếng rên, tiếng xô đây, rồi sau đó đồng đội anh chui ra, cầm theo thứ vũ khí dính đầy máu và một cái đầu vừa bị chặt. Bản thân tôi cũng đã phải hạ vài con. Đôi lúc khi mà đồng đội tôi đang ở trong nhà và tôi ở ngoài phố canh chừng, tôi nghe thấy tiếng động, tiếng vật lộn, tiếng chà xát, như thế có thứ gì đang lết mình đằng sau bụi rậm. Tôi chiếu đèn vào đó, gọi hỗ trợ và rồi hạ gục nó.
            Có lần tí nữa tôi dính chưởng. Chúng tôi đang vào dọn dẹp một căn nhà hai tầng: bốn phòng ngủ, bốn phòng tắm, đã bị sập mất ở chỗ cửa sổ phòng khách, nơi có ai đó đã phóng nguyên cả con xe jíp Liberty qua. Cộng sự của tôi xin phép đi giải quyết. Tôi để cô ấy chui ra sau chỗ bụi rậm. Tại tôi cả. Tôi quá phân tâm, quá để ý đến những gì đang diễn ra trong nhà. Tôi không chú ý đằng sau lưng. Đột nhiên tôi thấy xe mình bị giật giật. Tôi quay lại, nhưng bánh phải đang bị cái gì đó tóm lấy. Tôi quành người, rọi đèn vào chỗ đó. Một con “lê lết,” loại bị mất hết chân cẳng. Nó nằm trên đường gầm gừ dọa tôi, tìm cách trèo lên xe. Cái xe lăn ấy đã cứu mạng tôi. Nó cho tôi vừa đủ mấy giây để rút khẩu cạc bin ra. Nếu lúc ấy tôi đang đứng, có thể nó đã tóm được mắt cá tôi hay thậm chí còn xin nguyên một miếng. Đây là lần cuối cùng tôi buông lơi công việc của mình.
            Zombie không phải là vấn đề duy nhất của chúng tôi. Còn có cả bọn trộm cắp, không phải loại ra tù vào tội đã quen mà chỉ là những người đang tìm cách sinh tồn. Đám lấn chiếm đất đai cũng vậy; hai trường hợp này thường được giải quyết êm thấm. Chúng tôi đưa họ về, cung cấp những thứ họ cần, để ý chăm lo cho họ cho đến khi người bên Gia Cư đến giải quyết nốt.
            Cũng có mấy tay trộm thực thụ, dân chuyên hẳn hoi. Đó là lần duy nhất tôi bị thương.
            [Anh vạch áo xuống, để lộ ra vết sẹo tròn to cỡ đồng mười xu thời tiền chiến.]
            Đạn chín li, xuyên qua vai phải. Đồng đội tôi đuổi hắn ra khỏi căn nhà. Tôi ra lệnh cho hắn đứng lại. Đó là lần duy nhất tôi phải giết người, thật là ơn Chúa. Khi đạo luật mới được đưa vào áp dụng, mấy thứ tội phạm thông thường gần như tiệt hết.
            Rồi còn cả bọn trẻ hoang nữa, anh biết đấy, mấy đứa nhóc vô gia cư mồ côi cha mẹ. Chúng tôi thường thấy chúng nằm co quắp trong tầng hầm, tủ quần áo, dưới gầm giường. Rất nhiều đứa đi bộ đến đây từ tận mạn phía đông. Đứa nào cũng dặt dẹo, suy dinh dưỡng, ốm yếu. Rất nhiều lần chúng bỏ chạy. Đó là những lần duy nhất tôi thấy không vui khi, anh biết đấy, mình không đứng dậy đuổi theo được. Có người khác sẽ đuổi theo, đuổi kịp khá nhiều, nhưng không phải lúc nào cũng thế.
            Vấn đề lớn nhất là bọn quisling.
            Quisling?
            Ừ, anh biết đấy, cái lũ hóa dại xong bắt đầu hành xử như lũ zombie.
            Anh có thể giải thích rõ hơn không?
            Ờ thì, tôi không phải bác sĩ tâm lí nên tôi không biết nhiều thuật ngữ lắm.
            Thế cũng được.
            Thì theo như cách hiểu của tôi, có một loại người không thể đối mặt với những tình huống đánh-lại-hay-chết. Họ luôn bị thu hút về phía những gì họ sợ hãi. Thay vì chống lại, họ muốn làm chúng hài lòng, muốn gia nhập hàng ngũ của chúng, muốn trở thành chúng. Chắc đó là chuyện xảy ra trong các vụ bắt cóc, anh biết đấy, như vụ của Patty Hearst hay hội chứng Stockholm, hoặc là như trong chiến tranh bình thường, khi người dân nước bị xâm lược lại gia nhập quân đội kẻ thù. Bọn cộng tác viên này đôi khi còn cực đoan hơn cả những người chúng bắt chước, như lũ Phát xít Pháp đấy, một trong số những quân đội cuối cùng của Hitler. Có lẽ đó là lí do chúng ta gọi bọn đấy là quisling, hính như đây là từ gốc Pháp thì phải.41
            Nhưng trong cuộc chiến này không thể làm thế được. Anh không thể cứ giơ tay đầu hàng và nói, “Ê, đừng giết tôi, tôi về phe các người.” Trong cuộc chiến này không có vùng trung lập, không có chuyện đi lại. Chắc người ta không chấp nhận được điều đó. Nó đẩy họ đi quá mức chịu đựng. Họ bắt đầu hành xử như lũ zombie, rên rỉ như chúng, thậm chí còn tấn công và tìm cách ăn thịt người khác. Chúng tôi phát hiện trường hợp đầu tiên như vậy đó. Hắn là một gã đàn ông trưởng thành, tầm ngoài ba mươi. Hắn trông bẩn thỉu, loạng choạng lê bước dọc vỉa hè. Chúng tôi tưởng hắn chỉ đang bị sốc thôi, cho đến khi hắn cắn vào tay một người trong đội tôi. Mấy giây ấy thật kinh khủng. Tôi hạ thằng Q ấy với một phát súng vào đầu và rồi quay sang phía đồng đội mình. Anh ta sụp xuống bên vệ đường, chửi bới loạn xạ, nước mắt nước mũi tùm lum, mắt không dứt ra được khỏi cái vết cắn nham nhở chỗ cẳng tay. Đây là án tử và anh ta biết điều đó. Anh ấy đang chuẩn bị tự xử thì chúng tôi phát hiện ra ở chỗ đầu cái tên tôi vừa bắn hạ đang có máu đỏ phun ra xối xả. Khi sờ thử người thì thấy hắn vẫn còn ấm! Anh phải chứng kiến cảnh tay đồng đội tôi tí thì phát điên. Đâu phải ngày nào cũng được đấng tối cao trên trời ban phước lành. Nản cái là tay này cũng tí nữa thì ngỏm. Thằng kia mồm nhiều vi khuẩn đến mức súy khiến tay kia tử vong do nhiễm khuẩn tụ cầu.
            Chúng tôi cử tưởng mình vừa phát hiện ra điều gì mới lạ nhưng hóa ra chuyện này đã có lâu rồi. Phía CDC đang sắp sửa công bố rộng rãi cho toàn dân. Họ thậm chí còn cử cả một chuyên gia đến từ Oakland để hướng dẫn cho chúng tôi biết phải làm gì khi gặp chúng. Tôi sững sờ luôn. Anh có biết quisling chính là lí do khiến nhiều người nghĩ họ miễn nhiễm không? Chúng cũng là nguyên nhân giúp mấy thứ thần dược vớ vẩn kia được thổi phồng đến thế. Thử nghĩ mà xem. Có ai đó dùng Phalanx, bị cắn nhưng vẫn sống sót. Hắn còn biết nghĩ gì nữa? Hắn chắc còn chẳng biết quisling là cái giống gì. Chúng cũng hung bạo như zombie và đôi lúc thậm chí còn nguy hiểm hơn.
            Tại sao vậy?
            Xem nào, đầu tiên là chúng không bị đóng băng lại. Ý tôi là, ừ thì nếu chúng tiếp xúc lâu với cái lạnh thì cũng có, nhưng trong điều kiện khí hậu lạnh vừa vừa, nếu chúng vẫn còn mặc quần áo ấm thì chẳng sao hết. Chúng cũng khỏe lên khi ăn thịt người khác. Không giống bọn zombie. Chúng có thể cầm cự lâu dài được.
            Nhưng anh có thế hạ gục chúng dễ dàng hơn mà.
            Đúng và sai. Ta không cần phải nhắm vào đầu chúng; có thể nhắm vào phổi, vào tim, vào bất cứ đâu và cuối cùng chúng sẽ chảy máu đến chết. Nhưng nếu bắn một phát không hạ được chúng, chúng sẽ tiếp tục xông lên cho đến khi nào chết thì thôi.
            Chúng không thấy đau sao?
            Còn lâu. Cái kiểu ý chí vượt trên tất cả ấy, khi anh dồn toàn tâm toàn trí vào một việc gì đó thì anh có thể ngăn tín hiệu truyền lên não hãy đại loại thế. Tốt nhất anh nên nói chuyện với một chuyên gia.
            Xin cứ nói tiếp đi.
            Được rồi, thì đấy, đó là lí do chúng tôi không bao giờ có thể thuyết phục được chúng. Chẳng còn có thể nói năng gì được nữa. Họ là zombie, có lẽ về bề ngoài thì không phải, nhưng về phía trong thì không khác biệt gì hết. Thậm chí ngay cả nhìn bên ngoài cũng khó đoán nếu chúng trông bẩn thỉu vừa đủ, máu me vừa đủ, bệnh hoạn vừa đủ. Zombie không nặng mùi lắm đâu, nhất là nếu chúng đi tách bầy và vẫn còn mới. Làm thế nào mà phân biệt được mấy tên giả mạo này với mấy cái bị thịt thối rữa kia? Sao làm được. Bên quân đội có cho chúng tôi chó nghiệp vụ hay cái gì đâu. Anh phải dùng mắt mà dò.
            Thây mà không chớp mắt, tôi cũng chẳng hiểu vì sao. Chắc bởi vì giác quan nào chúng cũng dùng ngang nhau nên não chúng không đánh giá cao thị lực. Có thể bởi vì cơ thể chúng không có nhiều dịch nên chúng không thể cứ dùng để làm ướt mắt. Ai mà biết được, nhưng chúng không chớp mắt còn quisling thì lại có. Đó là cách nhận ra chúng; lùi lại vài bước và đợi mấy giây. Lúc tối thì dễ hơn, chỉ cần chiếu đèn vào mặt chúng. Nếu chúng mà không chớp mắt là hạ ngay.
            Còn nếu có chớp thì sao?
            Lệnh của chúng tôi là phải bắt sống bọn quisling nếu có thể, và chỉ sử dụng vũ lực gây chết người khi cần phải tự vệ. Nói cái này ra nghe thật điên rồ, bây giờ nó vẫn thế, nhưng mà chúng tôi có tóm được vài đứa, trói gô cổ lại và đem giao nộp cho cảnh sát hoặc Vệ binh Quốc gia. Tôi chẳng rõ họ làm gì với chúng. Tôi có nghe về Walla Walla, anh biết chứ, cái nhà tù nơi có đến hàng trăm tên như vậy được cho ăn mặc và thậm chí còn chữa trị ấy. [Anh đảo mắt lên trời.]
            Anh không tán thành chuyện này sao.
            Này này, tôi không muốn đả động gì đâu nhé. Anh muốn bới móc cái đống bầy nhầy ấy thì cứ đi mà đọc báo đi. Năm nào cũng có một tay luật sư hay linh mục hay chính trị gia tìm cách đổ thêm dầu vào lửa để phục vụ mục tiêu của mình. Cá nhân tôi thì không quan tâm. Tôi chẳng có tí cảm xúc gì đối với chúng cả. Tôi nghĩ điều đáng buồn nhất ở bọn này là chúng đã từ bỏ quá nhiều thứ và rồi cuối cùng mất tất cả.
            Tại sao vậy?
            Bởi vì mặc dù chúng ta không phân biệt được chúng, bọn zombie thật lại có thể. Còn nhớ hồi mới bước vào cuộc chiến, khi mọi người còn đang tìm cách khiến cho lũ thây ma chống lại nhau không? Có cái “tài liệu minh chứng” về các cuộc đấu đá nhau — có một số nhân chứng và thậm chí cả một thước phim về hai con zombie ăn thịt lẫn nhau. Quá ngu xuẩn. Đấy là bọn zombie tấn công quisling, nhưng nhìn thì ai mà biết được. Quisling không hề kêu la. Chúng cứ nằm im đấy, thậm chí không thèm đánh lại, chậm rãi, cứng nhắc quặn quại, bị chính cái sinh vật chúng muốn trở thành ăn tươi nuốt sống.
            MALIBU, CALIFORNIA
            [Tôi chẳng cần nhìn ảnh cũng nhận ra đây là Roy Elliot. Chúng tôi cùng đi uống cà phê ở quán Malibu Pier Fortress mới được khôi phục lại. Những người ngồi quanh chúng tôi cũng nhận ra ông, nhưng khác với thời tiền chiến, họ tôn trọng đứng cách ông ra.]
            ADS, đó là kẻ thù của tôi: Hội chứng Suy sụp Vô triệu chứng42, hoặc là Hội chứng Tuyệt vọng Ngày tận thế43, tùy theo người anh tiếp chuyện. Dù tên nó có là gì đi chăng nữa thì trong mấy tháng đầu tiên, nó cướp đi nhiều sinh mạng ngang ngửa nạn đói, bệnh dịch, xung đột giữa người với người hay lũ thây ma. Mới đầu không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chúng ta vừa mới bình ổn được dãy Rocky, chúng ta đã dọn sạch vùng an toàn, và vậy mà hàng ngày số người chết vẫn lên tới gần cả trăm. Đây không phải tự tử, cái đó chúng ta gặp nhiều. Không, cái này khác hẳn. Một số người bị mấy vết thương nhẹ hoặc mắc bệnh dễ dàng chạy chữa; một số khỏe mạnh hoàn toàn. Họ chỉ lên giường đi ngủ và sáng hôm sau thì không dậy nữa. Vấn đề ở đây là tâm lí, người ta cứ thế đầu hàng, không muốn nhìn thấy ngày mai vì biết rằng nó chỉ mang lại thêm nhiều đau đớn. Mất niềm tin, mất ý chí chống chịu, cuộc chiến nào chuyện ấy chẳng xảy ra. Thời bình nó cũng xảy ra, có điều là không ở quy mô như thế này. Đó chính là sự bất lực, hay ít nhất là cảm giác mình đang bất lực. Tôi hiểu cái cảm giác đó. Cả đời tôi làm đạo diễn phim. Họ gọi tôi là thần đồng, đứa bé thiên tài bất khả chiến bại, mặc dù tôi đã rất nhiều lần thất bại.
            Đột nhiên tôi trở thành một gã vô danh tiểu tốt, một tên F-6. Thế giới đang hóa thành địa ngục và tất cả những tài năng được tán dương của tôi đều không thể giúp ngăn chặn điều ấy. Khi tôi nghe về ADS, chính phủ vẫn đang cố giữ im lặng vụ này — tôi phát hiện ra thông qua một đối tác ở Cedars-Sinai. Khi nghe kể về nó, có cái gì đó chợt lóe lên. Nó giống như lần đầu tôi làm cái phim ngắn Super 8 và chiếu cho ba mẹ tôi xem. Tôi nhận thấy cái này mình làm được. Kẻ thù này tôi chống lại được!
            Và ai cũng biết phần còn lại.
            [Cười.] Tôi ước thế đấy. Tôi đến thẳng chỗ chính quyền, họ từ chối.
            Thật vậy sao? Nhìn vào sự nghiệp của ông, tôi cứ tưởng…
            Sự nghiệp nào? Họ cần lính và nông dân, những công việc đích thực, còn nhớ không? Đại khái nó như thế này “Ôi, rất tiếc, không được đâu, nhưng cho tôi xin chữ kí được không?” Vâng, tôi không phải loại dễ dàng từ bỏ. Khi tôi tin mình có thể thực hiện được gì với tài năng của mình, không có chuyện nói chữ “không”. Tôi giải thích với đại diện bên DeStRes rằng Chú Sam sẽ không mất một xu nào. Tôi sẽ sử dụng trang thiết bị của tôi, nhân sự của tôi, tôi chỉ cần họ cho tôi quyền tiếp xúc với quân đội. “Hãy để tôi cho người ta thấy các ông đang làm gì để chấm dứt chuyện này,” tôi nói vậy với ông ta. “Hãy để tôi cho họ thứ gì đó để tin vào.” Và lại một lần nữa, tôi bị từ chối. Hiện tại quân đội có nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn là “đứng tạo dáng trước máy quay.”
            Ông có lên gặp cấp trên của ông ta không?
            Gặp ai? Chẳng có chuyến phà nào đến Hawaii và cái lão Sinclair thì cứ tất tả ngược xuôi dọc Bờ Tây. Bất cứ ai có thẩm quyền hỗ trợ đều hoặc là không thể gặp được hoặc còn quá mải quan tâm đến các vấn đề “quan trọng” khác.
            Sao ông không trở thành phóng viên tự do, kiếm lấy một cái phiếu thông hành báo chí của chính phủ?
            Thế tốn thời gian quá. Hầu hết các phương tiện truyền thông đại chúng đều bị đánh sập hoặc bị liên bang thâu tóm. Các thành phần còn sót lại có nhiệm vụ phải phát lại các bản tin thông báo an toàn cho công chúng để đảm bảo rằng bất cứ ai dù mới nghe cũng biết phải làm gì. Mọi thứ vẫn đang rối tung rối mù lên. Ta đến đường xá đi được còn gần như không có chứ đừng nói đến các cơ quan để cấp cho tôi chức vụ phóng viên chuyên trách. Có khi phải mất đến vài tháng. Vài tháng, trong khi cứ mỗi ngày lại có hàng trăm người chết. Tôi không đợi được. Tôi phải hành động ngay lập tức. Tôi kiếm một cái máy quay DV, mấy cục pin sơ cua và một cái sạc chạy năng lượng mặt trời. Thằng con trưởng của tôi đi theo phụ trách phần âm thanh và “AD thứ nhất.” Chúng tôi mất hết một tuần để tìm chuyện mà đưa tin, chỉ hai cha con với hai chiếc xe đạp leo núi.
            Chúng tôi chẳng phải đi đâu xa. Ngay ngoại ô Đại Los Angeles, ở một thị trấn mang tên Claremont, có năm trường đại học — Pomona, Pitzer, Scripps, Harvey Mudd và Claremont Mckenna. Khi Cuộc Đại Loạn mới nổ ra, khi mọi người còn đang chạy tứ tán, ba trăm sinh viên quyết định ở lại chiến đấu. Chúng biến trường Cao đẳng Phụ nữ ở Scripps thành một thành phố trung cổ. Chúng lấy đồ tiếp tế từ các khu khuôn viên trường khác; vũ khí thì bao gồm đồ tạo tác phong cảnh và súng ROTC bắn tập. Chúng làm vườn, đào giếng, gia cố thêm một bức tường có sẵn. Trong khi các dãy núi bốc cháy phừng phừng phía sau lưng và bạo lực bắt đầu nổ ra ở các khu ngoại ô xung quanh, ba trăm đứa sinh viên đó đã đẩy lùi mười ngàn con zombie! Mười ngàn, trong vòng bốn tháng, cho đến tận khi Inland Empire được bình ổn.44 Chúng tôi rất may mắn khi đến đó đúng lúc trận chiến đã bắt đầu ngã ngũ, vừa kịp chứng kiến cảnh những con thây ma cuối cùng bị đánh gục, chúng kiến cảnh đám sinh viên đang reo mừng và binh lính cùng nối tay nhau đứng dưới lá cờ Hoa Kỳ quá khổ tự thêu, phấp phới bay trên tòa tháp chuông Pomona. Quả là một câu truyện tuyệt vời! Nguyên cả thước phim thô dài chín mươi sáu tiếng. Tôi còn muốn quay nhiều hơn, nhưng thời gian gấp lắm rồi. Cần phải nhớ một ngày ta mất đến hàng trăm người.
            Chúng tôi phải cho ra lò tập phim này càng sớm càng tốt. Tôi mang thước phim ấy về nhà để chỉnh sửa, chắp nối lại. Vợ tôi đóng vai người dẫn. Chúng tôi làm ra mười bốn bản ở các định dạng khác nhau và tối thứ bảy tuần đó đem công chiếu ở nhiều trại tị nạn cũng như nơi trú ẩn khắp dọc LA. Tôi gọi nó là Thắng lợi ở Avalon: Trận chiến của Năm Trường Đại học.
            Cái tên Avalon tôi lấy từ trong một thước phim có sẵn được một đứa sinh viên quay khi vẫn đang bị vây hãm. Đó là đêm trước trận tiến công cuối cùng và tệ hại nhất chúng phải chống trả, khi từ phía chân trời có thể thấy rõ nguyên một đàn thây ma mới đang đến từ phía đông. Bọn trẻ đang miệt mài làm việc — mài vũ khí, gia cố lại các tuyến phòng thủ, đứng canh trên tường và các tòa tháp. Trên cái loa vẫn thường bật nhạc để giữ vững tinh thần mọi người vọng ra tiếng hát. Một sinh viên Scripps với giọng ca thiên thần đang hát một bài của Roxy Music. Giọng ca ấy thật tuyệt vời, và cũng thật tương phản với trận cuồng phong đang sắp đổ bộ. Tôi lấy nó làm nhạc nền cho đoạn phim “chuẩn bị lâm trận”. Tôi giờ vẫn thấy nghẹn ngào mỗi khi nghe lại.
            Khán giả tiếp nhân bộ phim ra sao?
            Thành công vang dội! Không chỉ riêng gì cảnh ấy mà là cả bộ phim; ít nhất là tôi nghĩ vậy. Tôi mong đợi một phản ứng ngay tức khắc hơn. Reo hò, vỗ tay. Ngay cả với bản thân mình tôi cũng chẳng bao giờ dám thú nhận, nhưng tôi đã có cái ý nghĩ tự cao tự đại rằng sau khi xem phim xong người ta lao đến chỗ tôi, nước mắt giàn giụa, tóm lấy tay tôi, cam ơn tôi vì đã chỉ cho họ ánh sáng cuối đường hầm. Họ thậm chí còn không thèm nhìn vào mặt tôi. Tôi cứ đứng cạnh cửa như một người hùng chinh chiến nào đó. Họ im lặng xếp hàng đi qua chỗ tôi , mắt chăm chăm nhìn xuống mũi giày. Tối đó tôi về nhà suy nghĩ rằng, “Thôi không sao, nó cũng là một ý tưởng hay, có lẽ cái nông trại khoai tây ở Công viên MacArthur Park sẽ cần người phụ giúp.”
            Chuyện gì xảy ra sau đó?
            Hai tuần trôi qua. Tôi có một công việc đích thực, giúp mở lại tuyến đường ở Hẻm Núi Topanga. Rồi một ngày nọ có người đến trước cửa nhà tôi. Cứ thế cưỡi ngựa đến như thể trong phim miền tây cũ của Cecil B. De Mille. Ông ta là chuyên gia tâm thần học ở sở y tế hạt tại Santa Barbara. Họ đã nghe về sự thành công của bộ phim của tôi và hỏi rằng tôi còn bản nào không.
            Thành công á?
            Chính xác. Hóa ra, ngay sau đêm “công chiếu” của Avalon, số trường hợp ADS ở LA giảm nguyên 5%! Mới đầu hò tưởng chỉ là bất thường số liệu gì đó, mãi cho đến khi nghiên cứu sâu thêm mới nhận ra rằng sự sụt giảm này thể hiện rõ nhất ở những cộng đồng nơi bộ phim được trình chiếu!
            Và không ai nói gì với ông sao?
            Chẳng ai cả. [cười.] Quân đội không nói, chính quyền thành phố không nói, ngay cả những người điều hành mấy khu tị nạn nơi bộ phim vẫn được chiếu mà tôi không hay biết cũng không nói năng gì. Tôi không quan tâm. Cái chính là nó đã có hiệu quả. Nó đã làm nên sự khác biệt và giúp tôi kiếm được một công việc trong suốt giai đoạn chiến tranh. Tôi tụ tập một số tình nguyện viên và những thành viên cũ trong nhóm làm phim xưa mà tôi còn tìm lại được. Cái thằng quay cái cảnh Claremont, Malcolm Van Ryzin, vâng, chính tay Malcolm đó đó,45 hắn trở thành DP của tôi.46 Chúng tôi trưng dụng một khu nhà lồng tiếng bỏ hoang ở Tây Hollywood và bắt đầu sản xuất ra hàng trăm bản. Chúng tôi đem chiếu ở trên mỗi chuyến tàu, mỗi đoàn lữ hành, mỗi chuyến phà ven biển lên phương Bắc. Cũng phải mất một thời gian mới có phản hồi. Nhưng mà một khi phản hồi đã xuất hiện thì…
            [Ông mỉm cười, giơ hai tay lên làm điệu bộ bái tạ.]
            Giảm mười phần trăm khắp toàn bộ khu vực an toàn ở miền tây. Lúc đó tôi cũng đang tất tả ngược xuôi ngoài đường để quay lại thêm nhiều câu chuyện nữa. Anacapa đã xong xuôi rồi, và chúng tôi đã hoàn tất được một nửa Mission District. Đến khi Dos Palmos được trình chiếu, ADS giảm 23 phần trăm… Chỉ đến lúc ấy chính quyền mới bắt đầu quan tâm đến tôi.
            Thêm nguồn lực chăng?
            [Cười.] Không. Tôi chẳng hề hỏi xin trợ giúp và họ chắc chắn cũng sẽ không thèm cấp thêm thứ gì. Nhưng tôi rốt cục đã tiếp cận được với quân đội và điều đó đã mở ra cho tôi cả một thế giới mới.
            Có phải đó chính là lúc ông bắt đầu quay Ngọn Lửa Của Các Vị Thần?
            [Gật đầu.] Quân đội có hai chương trình vũ khí laze đang hoạt động: Zeus và MTHEL. Zeus ban đầu được thiết kể với mục tiêu dọn dẹp bom đạn, dùng để kích hoạt mìn và bom chưa nổ. Nó đủ nhỏ và nhẹ để gắn lên một chiếc Humvee chuyên dụng. Xạ thủ ngắm mục tiêu qua một cái máy quy đồng trục trong tháp súng. Anh ta sẽ chỉnh cho tâm ngắm vào trên bề mặt mục tiêu, rồi sau đó khai hỏa một chum tia xung kích xuyên qua cùng cái ống kinh quang học đó. Nghe có bị kĩ thuật quá không?
            Không sao đâu.
            Tôi xin lỗi. Tôi bị cuốn hẳn vào trong dự án này. Chùm tia này là một dạng laze thể rắn dùng trong công nghiệp được đem ra vũ khí hóa, nó là cái loại vẫn dùng để cắt thép trong các nhà máy đó. Nó có thể cắt xuyên qua lớp vỏ ngoài của một quả bom hoặc nung nó nóng lên và rồi phát nổ. Nguyên lí này cũng có thể áp dụng cho zombie. Ở mức mạnh nó sẽ xuyên thẳng qua trán của chúng. Ở mức nhẹ, nó luộc chín não chúng cho đến khi nổ bục và phòi hết ra đằng tai, mũi và mắt. Đoạn phim tôi quay được thật đúng là mê li, nhưng Zeus chẳng khác nào súng đồ chơi nếu đem so với MTHEL.
            Đây là từ viết tắt của Mobile Tactical High Energy Laser, đồng thiết kế bởi Mỹ và Israel để bắn hạ các đầu đạn cỡ nhỏ. Khi Israel tuyên bố tự cách li, và khi hàng loạt các băng nhóm khủng bố cứ nã đạn súng cối với tên lửa qua bức tường an ninh, MTHEL là thứ đã chặn hết chúng lại. Nó cả về hình dạng lẫn kích thước đều trông như cái đèn rọi hồi Thế Chiến Thứ Hai, nó thực chất là laze deuterium fluoride, mạnh hơn hẳn laze rắn Zeus. Tác động của nó thật là tàn khốc. Nó thổi bay thịt đi, còn trơ lại mỗi xương, chỗ xương ấy bị hâm lên trắng xóa và rồi tan thành bụi. Khi xem lại ở tốc độ thường, trông nó thật quá sức tưởng tượng, nhưng còn khi xem quay chậm… ngọn lửa của các vị thần.
            Có thật là chỉ một tháng sao khi bộ phim được trình chiếu số ca ADS đã giảm đi phân nửa không?
            Tôi thấy nói thế thì hơi quá, nhưng cứ vào những giờ nghỉ là người ta lại rồng rắn xếp hàng. Có người tối nào cũng đi xem. Tấm áp phích quảng cáo in cận cảnh một con zombie đang bị nghiền ra thành từng phân tử. Bức hình ấy được lấy từ trong phim, đó là một cảnh kinh điển: lớp sương mù buổi sớm giúp dùng mắt thường nhìn thấy được chùm tia. Lời tựa phía bên dưới chỉ giản dị có một chữ “Tiếp.” Bộ phim ấy đã một tay cứu cả cái chương trình này.
            Chương trình của ông à?
            Không, Zeus và MTHEL.
            Chúng đang gặp trục trặc sao?
            MTHEL sẽ phải kết thúc một tháng sau khi bộ phim được quay. Zeus đã bị ngưng từ lâu rồi. Chúng tôi phải năn nỉ, vay mượn, và thậm chí là trộm cắp mới tái khởi động lại được chúng để còn quay. DeStRes đã liệt cả hai vào dạng hao tốn tài nguyên quá mức.
            Thật vậy sao?
            Quá đúng luôn. Cái chữ “M” mà viết tắt cho “Mobile” trong MTHEL nghĩa là “Cơ động”, nhưng thực chất nó cần đến cả một sư đoàn xe chuyên dụng, tất cả đều phải rất tinh vi, không cái nào chạy được trên mọi địa hình và mỗi chiếc đều bị lệ thuộc vào chiếc kia. MTHEL cũng cần đến một nguồn năng lượng khổng lồ và một lượng lớn các hóa chất độc hại, bất ổn định để phục vụ cho qui trình tạo tia laze.
            Zeus tiết kiệm hơn một chút. Nó dễ làm nguội hơn, dễ bảo quản hơn, và bởi vì nó gắn được lên xe Humvee, nó có thể được mang đến bất cứ nơi nào cần thiết. Vấn đề là tại sao lại cần đến nó? Ngay cả ở mức năng lượng cao, người xạ thủ vẫn phải giữ cho tia ở yên vị trong vài giây trên một mục tiêu mà xin thưa với anh là đang di động. Một tay súng cừ khôi chỉ cần nửa quãng thời gian đó là đã có thể hoàn tất công việc với số lượng tiêu diệt được cao gấp đôi. Điều này làm mất đi khả năng bắn liên thanh, đúng thứ ta cần khi bị tấn công theo bầy đàn. Thậm chí, cả hai thiết bị này đều cần phải cắt cử nguyên cả một đội lính bộ binh ra canh giữ, con người lại phải đi bảo vệ thứ máy được thiết kế để bảo vệ con người.
            Chúng dở tệ đến thế sao?
            Nếu được dùng cho mục đích ban đầu của mình thì không đến nỗi. MTHEL giúp bảo vệ Israel khỏi các vụ đánh bom oanh tạc của bọn khủng bố, và thậm chí Zeus còn được đưa vào sử dụng lại để giải quyết mớ bom đạn chưa nổ, hỗ trợ việc hành quân của quân đội. Với vai trò là vũ khí chuyên dụng, chúng rất tuyệt vời. Với vai trò vũ khí diệt zombie, chúng chẳng khác nào mớ đồ phế thải.
            Vậy tại sao ông còn làm phim về chúng?
            Vì dân Mỹ là tín đồ công nghệ. Đây là một nét cố hữu trong đường lối tư tưởng của đất nước này. Dù ta có nhận ra hay không, ngay cả một tên căm ghét công nghệ cứng đầu cứng cổ nhất cũng không thể phủ nhận năng lực công nghệ của nước ta. Chúng ta đã xẻ được nguyên tử, chúng ta đã đặt chân lên mặt trăng, chúng ta đưa vào trong mỗi ngôi nhà, mỗi công ti một lượng đồ dùng, thiết bị nhiều hơn bất cứ nhà văn khoa học viễn tưởng thời trước nào có thể đoán được. Tôi chẳng biết đây có phải điều gì tốt đẹp không, tôi không đủ tư cách để mà đánh giá. Nhưng tôi biết rằng cũng như mấy tên cựu vô thần đang chui rúc trong hố, hầu hết các công dân Mỹ đều đang cầu nguyện được vị Chúa khoa học cứu rỗi.
            Nhưng có cứu được đâu.
            Không quan trọng. Bộ phim thành công vang dội đến mức tôi được yêu cầu làm cả một chương trình phim dài tập. Tôi gọi nó là “Vũ Khí Kì Diệu,” bảy bộ phim về các thiết bị tối tân nhất của quân đội ta, đứng trên phương diện chiến thuật mà nói thì chẳng cái nào làm nên được gì khác biệt, nhưng chúng lại đem lại cho ta thắng lợi trên mặt trận tinh thần.
            Thế chẳng phải là…
            Dối trá? Không sao cả. Có thể nói là như vậy. Vâng, đó chính là những lời dối trá và đôi khi đó không có gì là xấu xa hết. Lời nói dối không tốt và cũng không xấu. Chúng cũng như ngọn lửa, có thể giữ ấm cho ta hoặc thiêu cháy ta, tùy vào cách chúng được sử dụng. Những lời dối trá của chính quyền thời trước chiến tranh để làm ta vui vẻ, mù quáng, đó là những lời nói dối thiêu đốt, bởi vì chúng không cho ta làm những việc cần thiết. Tuy nhiên, khi tôi làm Avalon, mọi người đã đang cố gắng hết sức để sinh tồn. Những lời nói dối trong dĩ vãng trôi qua lâu rồi và giờ sự thật nhan nhản khắp nơi, vật vờ đi trên phố, phá cửa xông vào nhà, giương vuốt ra siết cổ người ta. Sự thật ở đây là cho dù chúng ta có làm gì đi nữa, có khả năng phần lớn, hay thậm chí là tất cả, sẽ không bao giờ thấy được tương lai. Sự thật ở đây là có thể kỉ nguyên của loài người đang sắp chấm dứt và sự thật lạnh lẽo đó cứ mỗi đêm lại đưa hàng trăm người vào cõi vĩnh hằng. Họ cần một thứ gì đó để sưởi ấm. Và thế là tôi nói dối, và cả tổng thống cũng nói dối, và mọi bác sĩ, cha xứ, mọi trung đội trưởng và tất cả các bậc cha mẹ đều vậy. “Chúng ta sẽ không sao đâu.” Đó là thông điệp của chúng tôi. Đó là thông điệp của mọi nhà làm phim trong giai đoạn chiến tranh. Anh có biết đến Thành Phố Hero không?
            Tất nhiên.
            Phim rất hay đúng không? Marty đã quay nó trong giai đoạn vây hãm. Chỉ mình ông ta, dùng bất cứ thứ gì lượm lặt được để mà quay. Quả là một kiệt tác: lòng dũng cảm, sự quyết tâm, nghị lực, lòng tự trọng, tình bác ái, danh dự. Nó thực sự khiến cho anh lấy lại được niềm tin vào nhân loại. Nó vượt xa bất cứ thứ gì tôi từng quay. Anh nên xem thử.
            Tôi đã xem rồi.
            Bản nào?
            Sao cơ ạ?
            Anh xem bản nào?
            Tôi không biết là…
            Là có hai bản? Anh phải về nghiên cứu thêm đi, chàng trai. Marty có làm một bản trong thời chiến và một bản thời hậu chiến. Bản anh xem có phải dài chín mươi phút không?
            Tôi nghĩ vậy.
            Nó có cho thấy bộ mặt tàn tệ của những anh hùng trong Thành Phố Hero không? Nó có chiếu ra những cái bạo lực, cái phản bội, cái ác độc, cái bệnh hoạn, cái xấu xa không đáy ẩn trong tim các vị “anh hùng” đó không? Không, tất nhiên là không. Tại sao lại phải chiếu? Đó là thực tại của chúng ta và chính nó đã khiến rất nhiều người chui lên giường, thổi tắt nến và trút hơi thở cuối cùng. Thay vào đó, Marty chọn cách chiếu gương mặt kia, gương mặt giúp họ có sức mà lết ra khỏi giường vào sáng hôm sau, khiến họ đào bới, nhặt nhạnh, lần mò và chiến đấu để bảo toàn sinh mạng vì có ai đó nói với họ mọi thứ rồi sẽ ổn thôi. Có một từ dùng để chỉ cái loại nói dối này. Hi vọng.
            CĂN CỨ KHÔNG QUN VỆ BINH QUỐC GIA PARNELL, TENNESSEE
            [Gavin Blaire đưa tôi vào văn phòng sĩ quan chỉ huy phi đội, Đại tá Christina Eliopolis. Thật khó có thể hình dung con người nổi tiếng với cá tính nóng như lửa và bảng thành tích chiến tranh xuất chúng gần như huyền thoại ấy lại có thể mang trên mình dáng vẻ nhỏ nhắn như của một đứa trẻ. Mái tóc dài đen mượt và nét mặt thanh thoát của chị càng làm gợi ra một cái sức trẻ trường tồn vĩnh cửu. Chỉ khi chị bỏ cặp kính râm xuống, tôi mới nhìn thấy ngọn lửa hừng hực đang bùng cháy đằng sau đôi mắt của chị.]
            Tôi từng là phi công Raptor, lái chiếc FA-22. Đây thực sự là chiếc máy bay chiến đấu tuyệt vời nhất từng được thiết kế, không cần phải bàn cãi gì cả. Khả năng bay cũng như chiến đấu của nó có thể khiến đến ngay cả Chúa lẫn tất cả các thiên thần của ngài đều phải gờm. Đây là tượng đài đại diện cho sức mạnh công nghệ của Mỹ… và trong cuộc chiến này, sức mạnh đó chẳng có chút nghĩa lí gì cả.
            Chắc chị thấy khó chịu lắm.
            Khó chịu à? Anh có hiểu tôi cảm thấy sao khi đột nhiên bị bảo rằng mục tiêu cả đời mà mình đã vì nó phấn đấu, vì nó chấp nhận hi sinh rất nhiều, vì nó chịu đựng đủ thứ gian khổ, vì nó đã cố vượt qua những giới hạn của bản thân mà chính mình còn không biết có tồn tại giờ đã bị coi là “vô dụng về chiến lược”?
            Chị có cho rằng đó là cảm nhận chung của nhiều người?
            Nói thế này cho dễ hiểu nhé; Nga không phải là quân đội duy nhất bị chính phủ mình thanh trừng. Đạo luật Tái thiết Lực lượng Vũ trang gần như đã giải thể lực lượng không quân. Một số tay “chuyên gia” nào đó ở bên DeStRes đã quyết định rằng tỉ lệ tài-nguyên-trên-hiệu-suất-tiêu-diệt của chúng tôi, hiệu số RKR của chúng tôi, bị mất cân đối nhất trong số tất cả các binh chủng.
            Chị có thể lấy cho tôi một số ví dụ không?
            Lấy về cái JSOW nhé? Nó là một loại bom trọng trường, dùng GPS và Định vị Quán tính để dẫn đường, có thể được phóng ra từ cách xa đến bốn mươi dặm. Phiên bản gốc có thể mang theo một trăm bốn mươi đầu đạn nhỏ BLU-97B, mỗi đầu đạn có một kíp nổ đúc hình nếu phải chống mục tiêu bọc thép, một hộp mảnh văng nếu chống lính bộ binh, và một vòng zirconi để biến toàn bộ khu vực công kích thành chảo lửa. Nó được coi như đỉnh cao quân sự, cho đến trận Yonkers.47 Giờ chúng tôi được bảo rằng số chi phí dành cho một bộ JSOW — nguyên liệu, nhân lực, thời gian và năng lượng, chưa kể đến nhiên liệu và công bảo trì trên mặt đất cho các máy bay chuyên chở — có thể dùng để chi trả cho nguyên một trung đội lính bộ binh đủ sức cân một lượng G cao gấp một nghìn lần. Nó không đáng đồng tiền bát gạo, cũng như rất nhiều bảo vật cũ của chúng tôi. Họ sát phạt chúng tôi như laze công nghiệp cắt xuyên khối sắt vậy. Chiếc B-2 Spirit, vứt; chiếc B-1 Lancer, vứt; ngay cả mấy chiếc BUFF cũ, mấy chiếc B-52 Ú Ý Dị Hợm, vứt nốt. Cứ tính vào cả mấy chiếc Eagle, Falcon, Tomcat, Hornet, JSF và Raptor là số lượng máy bay chiến đấu bị loại bỏ do vài con chữ sẽ vượt cả số lượng bị bắn hạ do SAM, Flak và phi cơ kẻ thù trong toàn bộ lịch sử.48 Ít nhất chúng không bị đem tiêu hủy, thật là ơn Chúa, chỉ bị đem xếp xó trong mấy khu nhà kho hay mấy cái nghĩa địa trên sa mạc ở AMARC.49 “Đầu tư dài hạn,” họ gọi nó như thế. Anh luôn có thể tin tưởng vào điều này; ngay cả khi chúng ta đang ở trong một cuộc chiến, chúng ta luôn chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến tiếp theo. Lực lượng không vận của ta, ít nhất là cái tổ chức đó, gần như còn nguyên vẹn.
            Gần như?
            Mấy chiếc Globemaster phải bị loại bỏ, cũng như bất cứ thứ gì chạy động cơ “ngốn xăng”. Vậy là chúng tôi chỉ còn máy bay chạy bằng cánh quạt. Tôi chuyển từ lái một thứ gần tương tự chiến đấu cơ X-Wing sang thứ đồ cùi hơn cả một chiếc U-Haul.
            Đó có phải nhiệm vụ chính của không lực không?
            Tiếp tế đồ bằng đường không là nhiệm vụ chính của chúng tôi, nhiệm vụ duy nhất còn có tí ý nghĩa.
            [Chị chỉ vào một bản đồ ố vàng trên tường.]
            Chỉ huy căn cứ cho phép tôi giữ nó, sau chuyện xảy ra với tôi.
            [Đó là bản đồ lục địa Mỹ thời chiến. Toàn bộ phần đất phía tây dãy Rocky được tô màu xám nhạt. Giữa vùng màu xám có đủ loại vòng với các màu khác nhau.]
            Các hoang đảo giữa một đại dương Zack. Màu xanh thể hiện những cơ sở quân sự còn hoạt động. Một vài cơ sở đã được chuyển thành trại tị nạn. Một số vẫn hỗ trợ cho chiến tranh. Một số nơi thì được bảo vệ tốt nhưng không có ý nghĩa gì về chiến lược.
            Các Vùng Đỏ được gọi là “Có Khả Năng Hỗ Trợ Phản Công”: nhà máy, hầm mỏ, nhà máy điện. Trong mỗi đợt lui quân, quân đội đều cắt cử lại một nhóm canh gác. Nhiệm vụ của họ là phải trông coi và bảo quản những cơ sở đó để sau này có thể đưa chúng vòa công cuộc phục vụ chiến tranh. Các Vùng Xanh Dương là khu vực của dân thường, nơi người ta vẫn còn đang chống cự, kiếm được chỗ trú thân và đã tìm cách xoay xở được trong khu vực đó. Tất cả các vùng này đều cần được tiếp tế và đó chính là nhiệm vụ của “Không Vận Lục Địa”.
            Đây là cả một hoạt động qui mô khổng lồ, không chỉ về mặt chuyên cơ và nhiên liêu mà còn về cả mặt tổ chức nữa. Ta phải giữ liên lạc với các hòn đảo này, xử lí các yêu cầu của họ, phối hợp với DeStRes, rồi sau đó kiếm đủ các loại nguyên vật liêu cho mỗi chuyến hàng cũng như sắp xếp thứ tự ưu tiên cho chúng. Điều này đồng nghĩa với việc đây là nhiệm vụ nặng nhọc nhất trong lịch sử không lực.
            Chúng tôi thường không chuyển hàng tiêu dùng, những thứ cần phải chuyển thêm đến thường xuyên như đồ ăn và thuốc thang. Chúng được liệt vào dạng DD, viết tắt của “dependency drop”, nghĩa là đồ chuyển phụ thuộc, và chúng phải đứng sau SSD – self-sustaining drop – đồ giúp tự duy trì, ví dụ như dụng cụ, phụ tùng thay thế, và dụng cụ để làm ra các thứ phụ tùng. “Họ không cần cá,” Sinclair nói vậy, “họ cần cần câu.” Dẫu vậy, cứ mỗi khi thu đến chúng tôi lại thả cho họ rất nhiều cá, và lúa mì, và muối, và rau quả khô và bột phấn rôm… Mùa đông vô cùng khắc nghiệt. Còn nhớ hồi trước chúng dài thế nào không? Giúp người ta tự giúp mình về lí thuyết mà nói thì không có gì để chê trách, nhưng vẫn cần phải giữ cho họ sống.
            Đôi khi chúng tôi phải thả cả người, các chuyên gia như bác sĩ hay kĩ sư, những người với kiến thức anh không thể học được từ trong một quyển hướng dẫn. Có rất nhiều huấn luyện viên trực thuộc Lực lượng Biệt kích được thả vào Vùng Xanh Dương, không chỉ để hỗ trợ cải thiện phương pháp tự phòng vệ của họ mà còn để giúp họ chuẩn bị cho ngày có thể ta sẽ xuất quân phản công. Tôi thực sự rất khâm phục họ. Hầu hết bọn họ đều biết mình sẽ phải ở lại đó trong một thời gian dài; rất nhiều Vùng Xanh Dương không có sân bay, vậy nên họ sẽ phải nhảy dù vào đó, không có hi vọng được đón về. Không phải tất cả các Vùng Xanh Dương đều an toàn mãi được. Một số sau một thời gian lại bị zombie tràn vào. Những người chúng tôi thả vào đều biết mình đang phải liều thế nào. Thật là quả cảm, tất cả bọn họ.
            Cả các phi công cũng vậy.
            Này, tôi cũng đâu có nói giảm nói tránh các rủi ro mà chúng tôi phải gánh chịu. Ngày nào chúng tôi cũng phải bay qua hàng trăm, có khi hàng nghìn dặm đất bị chiếm đóng. Vậy nên chúng tôi mới có mấy Vùng Tím. [Chị chỉ vào phần màu cuối cùng trên bản đồ. Các vòng tròn màu tím số lượng rất ít và phân bố tản mát.] Chúng tôi có thiết lập một số cơ sở cung cấp nhiên liệu và sửa chữa. Rất nhiều chuyên cơ không đủ tầm để đến được những vùng thả đồ hẻo lánh phía Bờ Tây nếu không có cơ sở tiếp tế nhiên liệu giữa chừng. Các cơ sở đó giúp giảm thiểu số lượng máy bay cũng như phi hành đoàn bị thất lạc trên đường làm nhiệm vụ. Nhờ có chúng mà khả năng sống sót của các phi đội của chúng tôi tăng lên đến 92 phần trăm. Thật không may, tôi nằm trong số tám phần trăm còn lại.
            Tôi chẳng thể nào biết được chính xác tại sao chúng tôi bị rơi: máy móc trục trặc hay do kim loại đã bị hao mòn kết hợp với điều kiện thời tiết. Cũng có thể do số hàng chúng tôi phải chuyên chở, bị đánh dấu hoặc xử lí nhầm. Chuyện này xảy ra thường xuyên hơn mọi người nghĩ. Đôi khi nếu các thứ vật liệu độc hại không được đóng gói đúng qui chuẩn hoặc, lạy Chúa nhân từ, một tay thanh tra QC đầu óc bã đậu nào đó cho người của hắn lắp ráp bộ phận kích nổ trước khi đóng thùng lại để chuyên chở… chuyện đó đã xảy ra với một người bạn của tôi, một chuyến bay theo thông lệ từ Palmdale đến Vandenberg, thậm chí còn không phải đi qua vùng thây ma. Hai trăm kíp nổ Loại 38, tất cả đều được lắp ráp hoàn hảo với pin năng lượng đang “vô tình” chạy, tất cả đều được kích hoạt ở cùng tần số với điện đài của chúng tôi.
            [Chị búng tay.]
            Đó đã có thể là chúng tôi. Chúng tôi đang di chuyển từ Phoenix đến một Vùng Xanh Dương ở ngoại ô Tallahassee, Florida. Lúc ấy đã là cuối tháng mười, gần như là giữa mùa đông. Honolulu vẫn đang cố làm thêm mấy chuyến thả hàng nữa trước khi thời tiết buộc chúng tôi phải ngưng hoạt động cho đến tận tháng ba. Đây là chuyến chở hàng thứ chín trong tuần này của nhóm tôi. Chúng tôi đều dùng “tweek,” mấy viên thuốc kích thích nhỏ màu xanh giúp anh có sức tiếp tục hoạt động mà không ảnh hưởng gì đến phản xạ hay đầu óc. Chúng cũng có tác dụng, nhưng chúng làm tôi cứ hai mươi phút là phải chạy đi “công cán” một lần. Đồng đội tôi, cánh đàn ông, rất khó chịu với tôi về chuyện này, anh biết đấy, mấy con đàn bà cứ đi liên tục. Họ không lộ hẳn ra ngoài mặt nhưng tôi cũng cố nhịn càng lâu càng tốt.
            Sau hai tiếng bay rung lắc loạn xạ, tôi chịu không nổi nữa và phải chuyển cần điều khiển sang cho phi công phụ. Tôi vừa mới khóa quần xong thì đột nhiên máy bay xóc một phát mạnh như thể Chúa vừa mới sút một cú vào đuôi chúng tôi… và đột nhiên máy bay đâm thẳng đầu xuống đất. Cái nhà vệ sinh trên chiếc C-130 của tôi không hẳn là nhà tắm tử tế, chỉ là một cái bồn cơ động với tấm màn nhựa nặng trịch. Chắc chính nó đã cứu mạng tôi. Nếu lúc ấy tôi mà bị kẹt trong một cái khoang vệ sinh thật chắc sẽ bị bất tỉnh do va đập hoặc không kịp mở chốt cửa… Đột nhiên có một tiếng rít rất chói tai, và rồi một luồng khí áp suất cao kéo tuột tôi ra phía phần thân sau máy bay, ngang qua chỗ lúc trước vẫn còn là cái đuôi.
            Tôi quay mòng mòng, không thể kiểm soát được. Tôi lờ mờ nhìn thấy máy bay của mình, cả một khối kim loại xám xịt đang nhỏ dần và bốc khói trên đường rơi xuống. Tôi cố rướn thẳng người, bật mở dù. Tôi vẫn còn choáng váng, đầu óc quay cuồng, hổn hển hớp hơi. Tôi dò dẫm tìm điện đàm và bắt đầu gân cổ lên gào, kêu gọi đồng đội nhảy ra khỏi máy bay. Không ai trả lời. Tôi chỉ thấy có thêm một cái dù nữa, người duy nhất thoát ra kịp.
            Đó thực sự là khoảnh khắc kinh khủng nhất, cứ đòng đưa treo vô dụng ở đó. Tôi vẫn có thể thấy chiếc dù kia, ở phía bên trên và cách tôi khoảng ba cây rưỡi về phía bắc. Tôi đảo mắt tìm những người khác. Tôi lại thử dùng điện đàm nhưng không bắt được tín hiệu. Chắc nó đã bị hư hại lúc tôi “thoát thân.” Tôi tìm cách xác định phương hướng, ở đâu đó phía nam Louisiana, một khu vực đầm lầy hoang dã trải dài bất tận. Tôi không chắc lắm, đầu tôi vẫn đang hơi nhập nhằng. Ít nhất tôi vẫn còn đủ tỉnh táo để kiếm tra các thứ đồ thiết yếu. Tay chân tôi đều cử động được, tôi không thấy đau đớn hay chảy máu chỗ nào. Tôi kiểm tra lại thấy bộ đồ nghề sinh tồn của mình còn nguyên vẹn, vẫn được đeo bên đùi, và vũ khí của tôi, khẩu Meg,50 vẫn đang thọc vào lườn tôi.
            Không lực có huấn luyện trước cho chị cách xử lí những tình huống như vậy không?
            Chúng tôi đều phải qua chương trình Trốn thoát và Lẩn tránh Willow Creek trong dãy núi Klamath ở California. Thậm chí còn có vài con G thật thả lẫn vào, được đánh dấu, theo dõi và cắt đặt ở một số vị trí nhất định để tạo cho chúng tôi “cảm giác thật.” Cũng khá giống những gì trong quyển cẩm nang sinh tồn dân sự: di chuyển, ẩn nấp, làm sao để hạ được Zack trước khi nó tru lên làm lộ vị trí của mình. Chúng tôi ai cũng “qua truông,” ý tôi là sống qua được, mặc dù có vài phi công không đủ sức cân Khu Số Tám. Chắc họ không chịu nổi áp lực thật. Phải đơn thương độc mã trong lãnh thổ kẻ thù chẳng bao giờ làm tôi bận tâm. Với tôi chuyện ấy xảy ra như cơm bữa.
            Lúc nào cũng vậy sao?
            Muốn biết một mình đơn độc trong khu vực thù địch ra sao, cứ nhìn vào bốn năm theo học ở Colorado Springs của tôi là biết.
            Nhưng còn những nữ phi công khác mà…
            Các sĩ quan thực tập, các đối thủ cạnh tranh khác, chỉ có điều là sở hữu cùng một bộ phận bài tiết. Tin tôi đi, khi bắt đầu có áp lực thì không còn chị em gì với nhau nữa. Không, chỉ có tôi, mỗi mình tôi thôi. Luôn tự chủ, luôn tự lập và luôn tự tin, không nghi ngờ gì hết. Đó là những thứ duy nhất giúp tôi vượt qua bốn năm địa ngục trần gian ở Học viện, và đó là những thứ duy nhất tôi có thể tin tưởng vào khi đặt chân vào cái bãi lầy ngay giữa lãnh thổ lũ G.
            Tôi tháo dù — người ta dạy rằng đừng phí thời gian tìm cách che giấu nó đi làm gì — và đi về hướng cái dù kia. Mất đến vài tiếng lội bì bõm qua chỗ nước lạnh buốt khiến mọi thứ phía dưới gối tôi tê dại. Tôi không suy nghĩ tỉnh táo được, đầu óc tôi vẫn đang quay quay. Tôi biết mình không thể biện hộ gì được, nhưng đó là lí do tôi không để ý thấy lũ chim đột nhiên bay vọt về phía ngược lại. Tôi có nghe thấy tiếng la, rất mơ hồ và vọng lại từ đâu đó xa xăm. Tôi có thể thấy cái dù bị mắc vào cây. Tôi bắt đầu chạy, lại thêm một thứ tối kị nữa, gây náo loạn lên mà không chịu dừng lại nghe ngóng xem có thằng Zack nào không. Tôi chẳng thấy gì cả, chỉ có mỗi mấy cành cây trần trụi xám xịt cho đến khi chúng chình ình ngay phía trước mặt. Nếu không có Rollins, phi công phụ của tôi, chắc giờ tôi không còn ngồi đây được nữa.
            Anh ta đang lủng lẳng chỗ đai dù, đã chết ngắc, người giật giật. Bộ đồ bay của anh ta đã bị xé toạc ra51 và lục phủ ngũ tạng treo tòng teo… đong đưa trên đầu năm đứa đang vục mỏ vào lớp nước nâu đỏ mà ăn ngấu nghiến. Có đứa còn bị quấn cổ vào một phần ruột. Mỗi lần cử động là nó lại giật Rollins một phát, khiến anh ta trông như cái chuông vậy. Chúng chẳng để ý gì đến tôi hết. Tôi ở ngay trong tầm với mà chúng chẳng thèm đếm xỉa.
            Ít nhất tôi vẫn còn đủ tỉnh táo để gắn nòng giảm thanh vào. Đáng ra không nên phí cả băng như vậy, lại thêm một lần ngu nữa. Tôi cáu đến mức tí nữa thì xông vào cho xác chúng mấy phát sút. Thật quá xấu hổ, tôi cảm thấy thật căm ghét chính bản thân mình…
            Tự căm ghét bản thân?
            Tôi làm mọi sự hỏng bung bét ra! Phi cơ của tôi, đồng đội của tôi…
            Nhưng đó chỉ là một tai nạn. Đâu phải lỗi của chị.
            Sao mà anh biết được? Anh đâu có ở đấy. Mẹ kiếp, chính tôi còn không có ở đó. Tôi chẳng biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi có làm nhiệm vụ của mình đâu. Tôi còn đang bận ngồi bên cái xô như một con đàn bà!
            Tôi thấy trong lòng thật bức bối. Mẹ cha cái đồ yếu đuối, Tôi tự sỉ vả mình, mẹ cha cái đồ vô dụng. Tôi bắt đầu quay cuồng, không chỉ tự thấy ghét mình nữa mà còn ghét bản thân vì đã ghét bản thân. Nghe có nghĩa lí gì không? Chắc tôi cứ đứng đực ra đấy, run rẩy, vô dụng và chờ Zack đến.
            Nhưng rồi điện đàm của tôi bắt đầu phát ra mấy tiếng rời rạc. “A lô? A lô? Có ai ở đó không? Có ai thoát ra khỏi vụ máy bay rơi kia không?” Đây là giọng phụ nữ, nghe cách ăn nói thì rõ ràng đây là dân thường.
            Tôi trả lời ngay, xưng danh tính và yêu cầu cô ta làm tương tự. Cô ta bảo tôi cô là một không vệ, và bí danh của cô ta là “Mets Fan,” gọi tắt là “Mets”. Hệ thống Không Vệ là một mạng lưới những người trực điện đàm riêng biệt. Họ có nhiệm vụ phải báo cáo lại những phi hành đoàn nào bị rơi máy bay và làm những gì có thể để hỗ trợ giải cứu họ. Hệ thống này không hiệu quả gì lắm, chủ yếu bởi vì có quá ít người, nhưng có vẻ hôm nay vận may đã mỉm cười với tôi. Cô ta bảo cô nhìn thấy khói và xác chiếc máy bay Herc’ của tôi và dù có lẽ chỉ cách chỗ tôi có 1 ngày đường, cabin của cô ta bị rất nhiều thây ma bao vây. Trước khi tôi kịp nói gì cô ta đã bảo tôi đừng lo lắng, trấn an tôi rằng cô đã báo lại vị trí của tôi cho đội tìm kiếm cứu nạn và giờ tốt nhất nên ra chỗ đất trống để được đón về.
            Tôi lần tìm máy định vị GPS nhưng khi bị cuốn ra khỏi máy bay nó đã văng ra khỏi bộ đồ của tôi. Tôi có một cái bản đồ sinh tồn dự phòng nhưng nó quá to, quá chung chung và thêm vào đó, tôi đã bay qua nhiều bang đến mức nó gần như chỉ là cái bản đồ nước Mỹ… Đầu tôi vẫn đang hơi bay bay vì cáu giận và nghi ngờ. Tôi nói với cô ta tôi không biết vị trí của mình ở đâu, không biết phải đi đâu tiếp…
            Cô ta cười. “Thế trước nay cô chưa bao giờ bay như thế này à? Cô vẫn chưa lưu được từng phân của lộ trình bay vào trí nhớ à? Khi còn đang lơ lửng trên không cô chưa nhận ra mình đang ở đâu ư?” Cô ta rất tin tưởng tôi, cố bắt tôi động não chứ không đưa sẵn cho tôi câu trả lời. Tôi nhận ra rằng đúng là mình biết rất rõ khu vực này, rằng tôi đã bay ngang qua đây ít nhất hai chục lần trong vòng ba tháng vừa qua, và rằng chắc chắn tôi đang ở chỗ nào đó mạn lưu vực sông Atchafalaya. “Nghĩ đi,” cô ấy bảo tôi, “lúc nhảy dù cô nhìn thấy những gì? Có thấy sông suối, đường xá gì không?” Ban đầu tôi chỉ nhớ được có mỗi cây, cả một vùng đất xám xịt trải dài vô tận không có đặc điểm gì nổi trội hết, và rồi dần dần, khi đầu óc bắt đầu hết mù mờ, tôi nhớ có thấy cả sông lẫn đường. Tôi kiểm tra bản đồ và nhận ra rằng ngay phía bắc chỗ tôi đứng là xa lộ I-10. Mets bảo tôi đó là chỗ thích hợp nhất để được đội S&R đón về. Cô ta bảo sẽ mất cùng lắm là một hai ngày nếu tôi bắt đầu di chuyển ngay và không phung phí thời gian nữa.
            Khi tôi chuẩn bị rời đi, cô ta bảo tôi đứng lại và nghĩ thử xem có quên gì không. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ cái lúc ấy. Tôi quay lại phía Rollins. Mắt anh ta đang hấp háy mở lại. Tôi cảm thấy mình nên nói gì đó, có lẽ là một lời xin lỗi, và rồi tôi cho anh ta một phát đạn vào giữa trán.
            Mets bảo tôi đừng tự trách mình, và dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì cũng đừng để nó làm tôi phân tâm, quên mất việc phải làm. Cô ta nói, “Hãy sống sót, hãy sống sót và hoàn thành nhiệm vụ của mình.” Rồi cô nói thêm, “Và đừng có lãng phí thời lượng nữa.”
            Cô ta đang nói về lượng pin còn lại — cái gì cô ta cũng biết — vậy nên tôi tắt bộ đàm và bắt đầu đâm xuyên qua cái đầm lầy, di chuyển lên phía bắc. Giờ đầu tôi tỉnh như sáo, Những gì học được từ hồi còn ở Creek đã bắt đầu quay trở lại. Tôi đi rón rén, tôi dừng lại, tôi lắng nghe. Tôi cố đi trên chỗ đất khô nhiều hết mức có thể, và tôi chỉnh tốc độ chạy sao cho thật nhịp nhàng. Tôi phải bơi mấy lần, sợ ra phết. Tôi dám thề là đã có hai lần tôi cảm thấy có cánh tay quệt vào chân tôi. Có lần tôi phát hiện ra một con đường, nhỏ thôi, chưa đến hai làn đường và bị hư hỏng nghiêm trọng. Ít nhất thì thế vẫn tốt hơn là phải lội qua đám bùn. Tôi báo lại với Mets phát hiện của mình và hỏi xem liệu nó có đưa tôi thẳng đến chỗ xa lộ kia không. Cô ta bảo tôi hãy tránh xa nó cũng như tất cả các con đường dọc khu hạ lưu này ra. “Có đường là sẽ có xe,” cô nói, “mà đã có xe là sẽ có G.” Cô ta đang nói đến những tài xế bị cắn và chết khi còn ngồi sau vô lăng, và bởi vì bọn thây ma không đủ IQ để mở cửa xe hay tháo đai an toàn nên chúng sẽ suốt đời bị kẹt trong xe.
            Tôi hỏi cô ta thế thì có gì nguy hiểm đâu. Vì chúng không chui ra ngoài được nên nếu tôi không để chúng thò tay qua cửa sổ tóm lấy mình, việc tôi có gặp bao nhiêu cái xe “bỏ hoang” trên đường thì cũng có vấn đề gì đâu. Mets nhắc lại với tôi rằng một con G bị kẹt trong xe vẫn có thể tru được và điều đó đồng nghĩa với việc vẫn có thể gọi những con khác được. Giờ thì tôi lại chẳng hiểu gì hết. Nếu tôi phải lãng phí thời gian tránh mấy con đường với chỉ vài chiếc xe có Zack thì tại sao tôi lại tìm đường ra một cái xa lộ đặc nghẹt những thứ tương tự?
            Cô ta bảo, “Lúc đó cô sẽ ở vùng đất cao hơn khu đầm lầy. Làm sao có chuyện thêm zombie đến tóm cô được?” Do được xây dựng ở phía trên khu đầm lầy đến mấy chục mét, đoạn này của xa lộ I-10 là nơi an toàn nhất cả khu vực. Tôi thú nhận rằng tôi chưa nghĩ đến chuyện ấy. Cô ta cười và nói rằng, “Đừng lo cưng à. Tôi đã nghĩ đến đó rồi. Cứ nghe tôi và tôi sẽ đưa cô về nhà.”
            Và tôi đã làm đúng như vậy. Bất cứ thứ gì chỉ cần hơi giống đường thôi tôi cũng tránh xa tuốt và cứ nhằm những chỗ hoang vu nhất mà đi. Tôi nói là “hoang vu” nhưng thực chất chẳng thể nào mà tránh được tất cả các dấu hiệu của nhân loại hay thứ lâu lắm rồi đã từng là nhân loại. Có giày dép, quần áo, rác rến, va li rách nát và đồ leo núi. Tôi thấy cả một đống xương trong một vũng bùn. Chẳng biết của người hay vật nữa. Có lần tôi thấy nguyên bộ xương sườn; Chắc là một con cá sấu, to ra phết. Tôi chẳng muốn nghĩ mất bao nhiêu con G mới hạ được nó.
            Tên G đầu tiên tôi bắt gặp vóc dáng nhỏ thó, chắc là một đứa trẻ, tôi chẳng rõ. Mặt nó đã bị ăn mất, từ da, mũi, mắt, môi cho đến tóc tai… chúng không bị ăn hết hẳn mà treo lủng lẳng hoặc có mấy miếng còn dính trên cái hộp sọ hở lộ cả ra. Chắc còn có nhiều vết thương nữa, tôi cũng không rõ.
            Nó bị tắc trong bộ đồ leo núi dân sự, kẹt cứng luôn với mấy cái dây rút cuốn chặt quanh cổ. Cái quai đeo vai của nó bị vướng vào gốc cây, nó quẫy đạp loạn xạ, nửa thân ngâm dưới nước. Chắc não nó vẫn còn nguyên vẹn, và thậm chí là cả một số sợi cơ hàm nữa. Cái hàm đó bắt đầu đớp đớp khi tôi đến gần. Tôi chả hiểu làm thế nào mà nó biết tôi đang ở đó chắc khứu giác nó vẫn còn hoạt động được, hoặc có thể là thính giác.
            Nó không tru được, cổ nó bị tổn thương quá nặng rồi, nhưng tiếng quẫy nước của nó có thể gây chú ý, vậy nên tôi chấm dứt quãng đời đau khổ của nó, nếu nó thực sự đang đau khổ, và cố gắng không nghĩ về nó. Đây lại là một bài học chúng tôi được dạy ở Willow Creek: đừng viết cáo phó cho chúng, đừng cố mường tượng xem hồi trước chúng là ai, sao mà chúng mò được đến đây, sao mà chúng lại trở thành như thế này. Tôi biết, ai mà chẳng làm thế đúng không? Ai có thể nhìn vào mấy cái con kia mà lại không bắt đầu nghĩ lan man? Như kiểu đọc xong một quyển sách vậy… trí tượng tượng của anh cứ thế mà bay bổng. Và đó là lúc ta trở nên xao nhãng, bất cẩn, không đề phòng và kết cục là để cho ai đó khác tự hỏi chuyện gì đã xảy đến với chính ta. Tôi cố gắng không nghĩ về con bé, về cái thứ đồ ấy. Thay vào đó, tôi tự hỏi sao mãi tới giờ chỉ thấy có độc mình nó.
            Đây là một câu hỏi sống còn, không chỉ là nghĩ vẩn vơ, vậy nên tôi bật điện đàm lên hỏi Mets xem liệu tôi có đang bỏ sót điều gì không, Liệu rằng có khu nào tôi cần phải tránh không. Cô ấy nhắc lại cho tôi nhớ rằng phần lớn khu này không có dân vì các Vùng Xanh Dương ở Baton Rouge và Lafayette đã hút đi về cả hai phía hầu hết bọn G rồi. Thật là chẳng biết có vui được hay không, bị kẹt ở ngay giữa hai vùng nhiễm bệnh dịch nặng nhất. Cô ta cười rồi nói…“Đừng lo, cô sẽ không làm sao đâu.”
            Tôi thấy có cái gì đó ở phía trước, một khối gì trông rất giống bụi cây, nhưng lại quá vuông vắn và có đôi chỗ phản sáng lại. Tôi bảo lại với Mets. Cô ta bảo tôi đừng có lại gần đó, cứ đi tiếp và tập trung vào mục tiêu. Lúc bấy giờ tôi đang cảm thấy khá tuyệt vời, cái đứa tôi cũ bắt đầu quay trở lại.
            Khi đến gần, tôi nhận ra đó là một chiếc xe, SUV loại Lexus Hybrid. Nó bán đầy bùn đất, rêu phong và ngập nước đến tận cửa. Chỗ cửa sổ phía sau bị chất đầy đồ dùng sinh tồn: lều, túi ngủ, dụng cụ nấu bếp, súng săn và một đống thùng đạn, tất cả đều còn mới nguyên, một số thứ vẫn còn ở trong túi nhựa. Tôi đi vòng ra phía cửa lái bênvà thấy thấp thoáng khẩu .357. Nó vẫn còn được nắm chặt trong bàn tay ố nâu, nhăn nheo của gã tài xế. Hắn ngồi ngay ngắn, mắt nhìn thẳng về phía trước. Phía bên sọ của hắn có ánh sáng chui lọt qua. Hắn đã thối rữa rất kinh rồi, ít nhất phải một năm, có khi còn hơn. Hắn mặc quần kaki sinh tồn, cái loại được đặt từ trong các danh mục đồ đi săn bắn cao cấp. Trông chúng vẫn còn khá sạch sẽ. Chỗ máu duy nhất là do bắn ra từ vết thương ở đầu. Tôi chẳng thấy có vết thương nào khác nữa, không có vết cắn, chẳng có gì cả. Nó tác động vào tôi rất mạnh, hơn cả cái con bé không mặt mũi kia. Tay này có tất cả những gì cần thiết để sống sót, tất cả ngoại trừ ý chí. Tôi biết đây chỉ là một giả thiết. Có lẽ còn có vết thương ở đâu đó mà tôi không thấy được, ẩn bên dưới lớp quần áo hoặc bị mất đi do phân hủy cấp cao. Nhưng tôi biết mà, áp mặt vào lớp kính, tôi đứng ngắm minh chứng cho thấy bỏ cuộc dễ như thế nào.
            Tôi đứng đờ ra đấy mất một lúc, đủ lâu để khiến Mets phải hỏi tôi chuyện gì đang xảy ra vậy. Tôi tả lại cho cô ta nghe những gì mình thấy, và không cần lưỡng lự, cô ta bảo tôi phải đi ngay đi.
            Tôi bắt đầu cãi lại. Tôi cho rằng mình nên ít nhất lục lọi cái xe để xem có thứ gì cần dùng không. Cô ấy nghiêm nghị hỏi tôi rằng trên đấy có thứ gì tôi cần chứ không phải muốn không. Tôi nghĩ một lúc và thú nhận rằng chẳng có gì như vậy cả. Hắn có nhiều thứ đồ nghề nhưng toàn đồ dân sự, to lớn và kềnh càng; thức ăn chưa được nấu chín, vũ khí không có giảm thanh. Bộ đồ nghề sinh tồn của tôi đã có khá đủ rồi, và nếu vì một lí đo nào đó mà tôi không thấy có chiếc trực thăng nào đứng đợi sẵn ở xa lộ I-10, tôi luôn có thể dùng nó làm kho đồ tiếp tế khẩn cấp.
            Tôi nêu ra ý tưởng sử dụng chính chiếc SUV. Mets hỏi tôi có xe kéo với cáp kích đích điện không. Tôi trả lời không như một đứa trẻ con. Cô ta hỏi, “thế còn chần chừ gì nữa?” hay gì đó tương tự vậy, thúc giục tôi đi tiếp. Tôi bảo cô ta chờ một phút, tôi ấp mặt mình vào cửa kính bên ghế lái, thờ dài và lại thấy rã rời, kiệt sức. Mets tiếp tục mè nheo, giục giã tôi. Tôi bảo cô ta câm cha nó cái mồm đi, tôi chỉ cần vài phút, vài giây để… tôi cũng chẳng biết để làm gì nữa.
            Chắc tôi tì ngón cái lên nút “truyền” hơi lâu, bởi vì Mets đột nhiên hỏi, “Cái gì đó?” “Cái gì là cái gì?” Tôi hỏi. Cô ta đã nghe thấy gì đó, cái gì đó ở phía bên tôi.
            Cô ta nghe thấy trước cả chị sao?
            Chắc thế, bởi vì một giây sau, một khi đầu óc tôi đã bắt đầu tỉnh táo và dỏng tai lên, tôi cũng bắt đầu nghe thấy nó. Tiếng rên rỉ… rất to và gần kề, theo sau là tiếng chân bì bõm.
            Tôi nhìn lên, xuyên qua cái cửa kính ô tô, xuyên qua cái lỗ trên sọ gã tài xế, xuyên qua cái cửa kính bên kia, và đó là lúc tôi thấy con đầu tiên. Tôi quay người lại và thấy có thêm năm con nữa đang tiến đến chỗ tôi từ mọi hướng. Và đằng sau chúng là tầm mươi, mười lăm con nữa. Tôi nổ phát súng đầu tiên, viên đạn bay tuốt đi tận đâu.
            Mets bắt đầu nói chuyện lại, yêu cầu tôi báo cáo tình hình xung đột. Tôi nói số lượng cho cô ta và cô ta bảo tôi giữ bình tĩnh, đừng tìm cách chạy, cứ ở yên đấy và làm theo những gì đã được học ở Willow Creek. Tôi bắt đầu hỏi làm thế nào mà cô ấy biết về Willow Creek thì cô ta quát tôi bảo ngậm mồm lại mà chiến đấu đi.
            Tôi trèo lên nóc chiếc SUV — anh phải tìm vật phòng ngự gần nhất — và bắt đầu tính khoảng cách. Tôi nhắm mục tiêu đầu tiên, hít một hơi thật sâu và hạ hắn. Muốn đánh đấm cho ra trò là phải biết ra quyết định với tốc độ tối đa mà xung điện hóa trong cơ thể truyền đi được. Khi đi lội bùn tôi quên mất cái khả năng tính toán chi li trong vòng có vài giây bọ ấy, giờ nó đã quay trở lại. Tôi rất bình tĩnh, rất tập trung, mọi thứ nghi ngờ và yếu đuối đều đã bay mất hết. Có cảm giác như toàn bộ cuộc chiến kéo dài đến mười tiếng, nhưng chắc thực tế nó chỉ có tầm chục phút. Tổng cộng sáu mươi mốt con, cả một vành đai xác chết chìm nghỉm dày đặc. Tôi từ tốn kiểm tra chỗ đạn dược còn lại và đợi đợt tấn công tiếp theo. Chẳng còn gì nữa.
            Mất thêm khoảng hai mươi phút nữa Mets mới yêu cầu tôi cập nhật tình hình. Tôi tính số lượng thây ma bị hạ cho cô ta và cô ta nhờ tôi nhắc cho cô ta nhớ đừng bao giờ trêu ngươi tôi lên. Tôi cười vang, lần đầu tiên kể từ khi đáp xuống đây. Tôi lại cảm thấy tuyệt vời, mạnh mẽ và tự tin. Mets nói lại với tôi rằng mấy thứ phiền nhiễu này đã làm bốc hơi bất cứ cơ hội ra được xa lộ I-10 trước khi trời tối của tôi, và rằng có lẽ tôi nên bắt đầu nghĩ đến chuyện tìm chỗ ngủ.
            Tôi đi xa chiếc SUV hết mức có thể trước khi trời bắt đầu xâm xẩm và tìm được một chỗ khá tử tế trên cành một cái cây cao. Bộ đồ nghề của tôi có một cái võng vi sợi tiêu chuẩn; một phát minh tuyệt vời, nhẹ, chắc và có móc cài để ngăn cho mình không bị lăn ra ngoài. Nó cũng có công dụng để giúp tôi bình tĩnh lại, đi vào giấc ngủ nhanh hơn… ờ hờ! Chuyện tôi phải thức gần bốn mươi tám tiếng chẳng có nghĩa lí gì cả, cả chuyện tôi đã cố thực hiện các bài tập hít thở được dạy ở Creek hay chuyện tôi còn nuốt hai viên Baby-Ls.52 Đáng ra chỉ được uống có một viên nhưng tôi cho rằng đó chỉ dành cho những đứa èo uột. Tôi lại là chính tôi rồi cơ mà, nhớ không, tôi cân được, với lại tôi cũng cần ngủ.
            Vì cũng chẳng còn việc gì làm hay nghĩ ngợi, tôi hỏi Mets xem nói chuyện về cô ta có được không. Thực sự thì cô ta là ai? Tại sao cô lại phải ở trong một cái cabin bỏ hoang ở giữa Cajun? Nghe giọng cô ta không giống giọng người Cajun, cô ta thậm chí còn chẳng nói giọng nam. Và làm thế nào mà cô ta lại biết nhiều về chương trình huấn luyện phi công đến vậy nếu chưa từng tự mình trải nghiệm? Tôi bắt đầu thấy hơi nghi nghi, bắt đầu mập mờ hình dung ra được cô ta thực sự là ai.
            Mets lại bảo với tôi rằng sau này sẽ có thừa thời gian cho một tập The View. Bây giờ tôi cần đi ngủ và hoàng hôn dậy báo cáo lại với cô ta. Tôi cảm thấy mấy viên Ls bắt đầu phát huy tác dụng giữa chữ “báo” và chữ “cáo.” Đến chữ “ta” thì tôi đã lăn đùng ra rồi.
            Tôi ngủ say như chết. Khi mở mắt ra thì trời đã sáng rồi. Tôi đã mơ về Zack, chứ còn gì nữa đâu. Khi tôi tỉnh dậy tiếng rên rỉ của nó vẫn vang vọng trong tai tôi. Và rồi khi nhìn xuống tôi nhận ra đây không phải là mơ. Chắc phải có đến ít nhất là trăm con đứng quanh cái cây. Chúng đều đang thèm thuồng với với lên trên, đứa nào cũng tìm cách trèo lên đầu nhau để đến được chỗ tôi. Its nhất chúng không thể làm vậy được, đất đây không đủ cứng. Tôi không có đủ đạn để xử hết bọn chúng, và vì đấu súng ở đây có thể sẽ cho những đứa khác có thêm thời gian để mò đến, tôi quyết định tốt nhất nên thu dọn đồ nghề và tìm cách tẩu thoát.
            Chị đã lên kế hoạch cho tình huống như thế này?
            Không hẳn là có kế hoạch, chỉ là họ đã có huấn luyện chúng tôi cách xử lí những tình huống như thế này. Nó cũng giống như nhảy ra khỏi máy bay: ước lượng vị trí đáp, chúc xuống và lăn vòng, để thả lỏng và bật dậy càng nhanh càng tốt. Mục tiêu là tạo khoảng cách thật xa giữa mình và kẻ tấn công. Sau đó chạy, đi bộ, hay thậm chí “bước nhanh”; vâng, đúng là người ta có dặn chúng tôi nên cân nhắc giải pháp đó. Cái chính là chạy đi được đủ xa để có thời gian tính toán bước kế tiếp. Theo như bản đồ của tôi, xa lộ I-10 đủ gần để tôi phóng thục mạng ra đó, được trực thăng cứu hộ phát hiện và cứu đi trước khi mấy cái đồ thối tha này bắt kịp. Tôi bật điện đàm, báo cáo lại tình hình với Mets và bảo cô ta đánh điện cho S&R yêu cầu cứu trợ khẩn cấp. Cô ta bảo tôi cẩn thận. Tôi nhún người, nhảy xuống đúng một hòn đá ngầm và làm nứt mắt cá chân.
            Tôi nhào xuống nước, ngã dập mặt. Cái lạnh là thứ duy nhất giúp tôi không bị xỉu đi vì đau quá. Tôi trồi lên phun nước phì phì, nghẹt thở, và cảnh đầu tiên tôi nhìn thấy là nguyên cả một đàn thây ma đang nhằm tôi mà lao tới. Mets chắc cũng biết có chuyện chẳng lành khi thấy tôi không thông bảo đã hạ cánh an toàn. Hình như cô ta có hỏi tôi có chuyện gì không, mặc dù tôi cũng chẳng nhớ. Tôi chỉ nhớ tiếng cô ta quát nạt bắt tôi đứng dậy mà chạy. Tôi thử dồn lực vào mắt cá chân nhưng một cơn đau nhói chạy xuyên qua chân và cột sống. Nó có thể chịu được lực, nhưng mà… Tôi kêu to đến nỗi chắc chắn cô ta có thể nghe thấy tiếng của tôi vọng vào từ cửa sổ cabin của mình. “Ra khỏi đó mau,” co ta quát… “CHẠY ĐI!” Tôi bắt đầu đi cà nhắc, lội nước văng tung tóe với đằng sau là hơn một trăm con G đang bám sát đít. Cảnh ấy chắc phải hài lắm, một lũ tàn tật gồng sức lên chạy đua.
            Mets quát, “Nếu đứng được trên đó thì có nghĩa là chạy được! Đấy không phải xương mang lực! Cô làm được mà!”
            “Nhưng đau quá!” Tôi có nói thế thật, nước mắt trào ra, còn sau lưng thì Zack đang hú gọi đòi ăn trưa. Tôi ra đến chỗ xa lộ, phủ bóng lên trên trên khu đầm lầy như một tàn tích của hệ thống dẫn nước La Mã cổ. Mets đã nói đúng về độ an toàn của nó. Chỉ có điều chẳng ai trong bọn tôi tính đến việc tôi bị chấn thương hay cái đuôi thây ma tôi đang kéo theo. Không có đường lên trực tiếp nên tôi phải cà nhắc lao vào một cái đường nhỏ cạnh đấy mà ban đầu Mets bảo tôi tránh xa. Khi bắt đầu đến gần tôi hiểu ra lí do. Có đến hàng trăm thứ gạch đá và xe hơi rỉ sét chất chồng lên nhau và cứ mười xe thì có ít nhất một con G kẹt bên trong. Chúng thấy tôi và bắt đầu rống lên, âm thanh vang xe ra đến hàng dặm theo đủ mọi hướng.
            Mets gào lên, “Giờ thì đừng có lo về chuyện đó! Cứ leo lên cái chỗ đường nối và coi chừng cái lũ thây thộp chó đẻ đó!”
            Thây thộp?
            Những cái con thò tay qua cửa kính xe. Trên đoạn đường trống thì ít nhất tôi còn có thể tránh được, nhưng ở chỗ đường nối thì lại bị ép vào từ hai bên. Đó là phần tệ nhất cho tới lúc bấy giờ, mấy cái phút tìm cách lao lên chỗ xa lộ. Tôi phải luồn lách giữa các xe; tôi không thể phi lên nóc xe với cái mắt cá của mình. Mấy cánh tay thối rữa thò ra với lấy tôi, tìm cách chụp lấy bộ đồ bay hoặc cổ tay tôi. Mỗi phát đạn lại làm tôi mất thêm một giây quí giá. Cái dốc lên nghiêng đã làm tôi chậm hẳn lại rồi. Mắt cá tôi giật đùng đùng, phổi tôi đau rát, và cái bầy kia đang nhanh chóng bắt kịp tôi. Nếu mà không có Mets…
            Cô ta liên tục quát nạt tôi. “Mẹ cái con ôn kia, nhấc mông lên!” Lúc này cô ta chả buồn giữ ý gì nữa. “Đừng có bỏ cuộc đấy… CẤM TIỆT mày bỏ cuộc đấy!” Cô ta nói không ngừng, dứt khoát không cả nể gì tôi cả. “Mày là cái giống gì vậy, một con nạn nhân ẽo ượt à?” Lúc đó tôi nghĩ mình chính xác là như vậy. Tôi biết tôi sẽ chẳng bao giờ chạy thoát kịp. Cơn mệt mỏi, cơn đau và tôi nghĩ trên hết là cơn tức giận vì đã làm mọi thứ hỏng bi bét đến mức này. Tôi thậm chí còn định quay mũi súng lại, tự trừng phạt mình vì tội… anh biết đấy. Và rồi Mets thực sự chạm nọc tôi. Cô ta gầm lên, “Mày là cái quái gì thế, con mụ mẹ mày à!?!”
            Thế là xong. Tôi cong mông phi thẳng lên đường quốc lộ.
            Tôi báo lại với Mets rằng tôi đã đến nơi, rồi tôi hỏi, “Giờ làm cái khỉ mẹ gì đây?”
            Đột nhiên giọng cô ta dịu hẳn xuống. Cô ta bảo tôi nhìn lên. Từ phía mặt trời buổi sớm, có một chấm đen đang hướng về chỗ tôi. Nó đang đi dọc đường xa lộ và đang nhanh chóng trở thành hình dạng một chiếc UH-60. Tôi reo lên và đốt pháo báo hiệu.
            Điều đầu tiên tôi nhận thấy sau khi họ kéo tôi lên khoang đó là đây là máy bay dân sự, không phải biệt đội Tìm kiếm và Cứu nạn của chính phủ. Phi đoàn trưởng là một người Cajun hộ pháp với một bộ râu dê dày và đang đeo kính râm. Ông ta hỏi, “Cô chui từ cái chỗ đếch nào lên thế?” Rất xin lỗi nếu tôi làm giọng không đúng. Tôi tí nữa thì bật khóc và thụi cho ông ta một cú vào cái bắp tay to ngang đùi của ông ta. Tôi cười lớn và bảo họ làm ăn nhanh nhẹn thật. Ông ta nhìn tôi với vẻ không hiểu gì hết. Sau này tôi mới biết đây không phải đội giải cứu mà chỉ là một trực thăng vận tải thường xuyên giữa Baton Rouge và Lafayette. Lúc đó tôi chưa biết, và tôi cũng không quan tâm. Tôi báo lại với Mets rằng tôi đã được đón đi, rằng tôi đã an toàn. Tôi cảm ơn cô ấy vì tất cả những gì cô ấy đã làm cho tôi, và… và để tôi không bật ra mà khóc, Tôi cố cợt nhả mấy câu về việc cuối cùng cũng có thời gian cho cái tập The View đó. Tôi chẳng thấy trả lời gì cả.
            Cô ta nghe có vẻ là một Không Vệ tuyệt vời.
            Cô ta là một người phụ nữ tuyệt vời.
            Chị nói lúc đó chị đã có chút “nghi ngờ”.
            Không một thường dân nào, kể cả một Không Vệ già dặn, lại có thể biết nhiều về không lực đến vậy. Cô ta quá rành, biết quá nhiều, đặc biệt thứ kiến thức nền mà chỉ những ai đã trải qua mới biết.
            Vậy cô ta là phi công.
            Chắc chắn vậy; không phải thuộc không lực — nếu thế tôi đã nhận ra rồi — nhưng chắc đã từng trong hải quân hoặc lục quân. Họ cũng mất nhiều phi công ngang với không lực trong mấy chuyến hàng tiếp tế như chuyến của tôi, và cứ mười người thì có đến tám không được liệt tên. Chắc cô ta cũng gặp tình cảnh như tôi, phải bỏ máy bay, mất hết phi hành đoàn, thậm chí còn tự trách móc mình như tôi. Bằng cách nào đó cô ta đã tìm thấy cái cabin kia và trở thành một Không Vệ tuyệt đỉnh trong suốt giai đoạn còn lại của cuộc chiến.
            Nghe cũng có lí.
            Ừ, phải không?
            [Có một khoảng lặng. Tôi quan sát biểu cảm chị ta, chờ xem có lộ ra gì không.]
            Gì vậy?
            Chẳng ai tìm thấy cô ta cả.
            Không.
            Hay cái cabin.
            Không.
            Và trong hồ sơ của Honolulu không có tên bất kì Không Vệ nào với mật hiệu Mets Fan cả.
            Cũng chịu tìm hiểu đấy nhỉ.
            Tôi…
            Chắc anh cũng đã đọc bản báo cáo hậu hành động của tôi, đúng không?
            Dạ vâng.
            Và cả bản đánh giá tâm lí họ viết sau khi chính thức thẩm vấn tôi nữa.
            Ờ thì…
            Thì sao, đó toàn thứ ba xạo hết, được chưa? Nếu mọi thứ cô ta nói với tôi đều là những thứ tôi đã được chỉ dẫn thì sao, nếu đội bác sĩ tâm lí “khẳng định” rằng điện đàm của tôi đã bị hư hại trước khi tôi tiếp đất thì đã sao, và nếu Mets là viết tắt của Metis, mẹ của Athena, vị nữ thần Hi Lạp với đôi mắt xám đục đầy giông tố thì liên quan cái mẹ gì. Ôi, bọn tâm thần liều phết, đặc biệt khi cái đám ấy “khám phá ra” rằng mẹ tôi lớn lên ở khu Bronx.
            Thế còn cái câu cô ta nói về mẹ của chị?
            Ai chả có xung đột với bà già? Nếu Mets là một phi công, cô ta bản tính sẽ thích cá cược. Cô ta biết nhiều khả năng sẽ chạm được đúng huyệt nếu đá vào “mẹ.” Cô ta biết cơ hội của mình, thử liều một phen… Mà này, nếu họ nghĩ đầu óc tôi không còn bình thường, tại sao tôi chưa bị cấm bay? Tại sao họ vẫn để tôi nắm giữ cái công việc này? Có thể cô ấy đã từng là phi công, có thể cô ấy đã từng lấy một ai đó như vậy, có thể cô ấy từng mơ được trở thành phi công nhưng không tiến xa được như tôi. Hoặc có thể cô ấy chỉ là một giọng nói cô đơn, sợ sệt đang cố gắng làm những gì có thể để giúp đỡ một giọng nói cô đơn, sợ sệt khác khỏi có cái kết cục như mình. Ai cần quan tâm cô ấy từng hay vẫn là ai? Cô ta đã có mặt khi tôi cần, và trong suốt phần đời còn lại của mình, cô ta sẽ luôn ở bên tôi.
           


Mục Lục

Nhãn: , , , , , ,

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

<< Trang chủ