Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

Hồ Sơ Tội Ác 3 - Tơ Đồng Rỏ Máu - Quỷ Cổ Nữ Chương 39

Tên Sách: Tơ Đồng Rỏ Máu

Tác Giả: Quỷ Cổ Nữ
Bộ Sách: Hồ Sơ Tội Ác (tập 3)
Thể Loại: Kinh Dị, Ma QuáiTrinh Thám
Dịch giả: Trần Hữu Nùng
Khổ: 15 x 24
Số trang: 394
Giá bán: 105.000 đồng
Thời gian phát hành: 
Tại Hà Nội ngày 28/1/2014 
Tại Sài Gòn 10/2/2014.
Nguồn: luv-ebook.com
Đọc Online tại: e-thuvienonline.blogspot.com
Hồ Sơ Tội Ác 3 - Tơ Đồng Rỏ Máu - Quỷ Cổ Nữ

Hồ Sơ Tội Ác 3 - Tơ Đồng Rỏ Máu - Quỷ Cổ Nữ

Chương 39: Trót gặp ma quỷ

Ba Du Sinh và Na Lan từ trực thăng nhảy xuống, rồi chạy như bay vào Trung tâm Phục hồi Chức năng Tiểu Bạch. Trước đó công an của khu đã đến và đang canh giữ hiện trường. Đổng Bội Luân ngồi lặng lẽ, sắc mặt xanh xao, mình mặc chiếc áo blu trắng, có lẽ là áo của bác sĩ Bạch Manh, trông cô vẫn bình thường.

“Cô không sao chứ?” Na Lan cầm tay Đổng Bội Luân, bàn tay lạnh ngắt.

Đổng Bội Luân nhìn khuôn mặt Na Lan “bụi bặm lấm lem như ma”, gượng cười, “So với em thì có lẽ tôi khá hơn. May mà có cuộc điện thoại kia gọi đến, nếu muộn chút nữa thì có lẽ tôi chỉ còn là cái xác.”

Na Lan hiểu ý Đổng Bội Luân, đã sẵn sàng để chết chứ không để Mễ Trị Văn giở trò càn rỡ.

Ba Du Sinh cùng các chiến sĩ công an khu bố trí nhân lực tổ chức truy bắt.

Đổng Bội Luân nói, “Tôi không hiểu nổi…”

Na Lan biết Đổng Bội Luân muốn hỏi về cú phôn kỳ lạ có giọng của bà mẹ Mễ Trị Văn, bèn nói, “Mọi người gọi vào di động của cô, không thấy động tĩnh gì, bèn tìm hiểu giờ giấc cô tập khôi phục chức năng, đoán rằng Mễ Trị Văn đã mò đến nơi này. Vì Chu Trường Lộ biết rõ quy luật luyện tập của cô thì Mễ Trị Văn cũng nắm được, hắn bèn đến đây tấn công. Lúc đó dù cử công an đến hay thông báo cho Trung tâm thì vẫn không kịp, và sẽ đẩy cô vào tình thế bị bắt làm con tin, cho nên em mới nảy ra ý tưởng này. Khi trước điều tra về Mễ Trị Văn, em đã được nghe băng ghi âm cũ của vở kịch nói mà Hoàng Tuệ Trân sắm vai. Một bà cao tuổi làm ở cô nhi viện nhớ lại rằng Mễ Trị Văn hồi nhỏ rất hay nghe radio phát những đoạn kịch nói mà bà mẹ sắm vai, cho nên mọi người đoán rằng, nếu cho lão nghe lại đoạn băng đó thì thần kinh và tâm trí lão sẽ rối loạn.”

Đổng Bội Luân nhận xét, “Em đã thành công. Lúc đó lão như hóa điên.”

Na Lan nói, “Lão bị chẩn đoán là mắc chứng tâm thần phân liệt đứt quãng, chứ không phải lão giả vờ.”

“Cho nên em mới kích thích để lão lên cơn?”

Na Lan gật đầu.

“Đoạn băng ghi âm ấy ở đâu ra thì dễ hiểu rồi, nhưng còn những câu đối thoại giữa bà mẹ và Mễ Trị Văn hồi nhỏ?”

“Ở khoa biểu diễn của Học viện Nghệ thuật Biểu diễn trực thuộc Đại học Giang Kinh, có giáo sư Nhiếp Dương, bà cũng là một nhà sưu tập băng ghi âm kịch nói. Bà đã cho nghe bản ghi âm ấy, cũng biết rõ lần công diễn vở Nhà của Tào Ngu mà Hoàng Tuệ Trân sắm vai. Bà có biệt tài bắt chước giọng của các vai diễn, mô phỏng giọng Minh Phượng do Hoàng Tuệ Trân sắm vai hết sức tuyệt vời, em đã đề nghị bà tiếp tục luyện giọng… Thật không ngờ hôm nay lại rất được việc.”

Đổng Bội Luân chăm chú nhìn vào mắt Na Lan. “Em vẫn quá khiêm tốn đấy, em nhờ chuyên gia biểu diễn mô phỏng giọng nói của Hoàng Tuệ Trân, nhằm phục vụ thẩm vấn Mễ Trị Văn. Đúng không?”

Na Lan khen, “Cô quá thông minh!”

“Những câu nói qua điện thoại ấy không thể là nguyên văn ban đầu? Ngoài Mễ Trị Văn ra, không ai có thể biết đối thoại thực sự của họ ngày xưa!”

“Vâng, đều là kết quả của suy đoán. Các phản ứng của Mễ Trị Văn cho thấy suy đoán đã gần đúng. Thật ra Hoàng Tuệ Trân bị chồng giết do ghen tuông cực độ, người chồng ấy cũng là kẻ bạo hành vợ con. Chắc chắn ông ta đã nghi ngờ vợ mình đi diễn kịch rồi dan díu với một lãnh đạo huyện, bèn đánh đập vợ tàn bạo, khi vợ chỉ còn thoi thóp thì ông ta đào một cái huyệt. Nếu em đoán không nhầm, thì chính Mễ Trị Văn đã chôn bà mẹ. Vì bị cha ép buộc, mặt khác, cậu ta cũng muốn bà mẹ sớm chấm dứt đau khổ. Nhưng cậu ta không đủ can đảm để tố cáo tội ác của cha, để rồi về sau cậu ta biến thành một trong những hung thủ của vụ 'ngón tay khăn máu'. Có phải người cha Mễ Dũng Hằng chết vì bị ô tô quân dụng đi đêm va phải không? Em đoán rằng Mễ Trị Văn đã ám sát cha nhằm bảo vệ mình và nhằm trả thù cho mẹ, sau đó cậu ta kéo chiếc xe đạp của cha ra lòng đường, bố trí hiện trường giả là bị ô tô đâm phải.”

Đổng Bội Luân hỏi, “Tôi không hiểu tại sao em lại có thể đoán ra?”

Na Lan định nói, dựa vào suy diễn tâm lý tội phạm. Nhưng cô dùng cách nói khác dễ hiểu hơn, “Tuyến phát triển của Mễ Trị Văn và Chu Trường Lộ tương tự nhau, các nét chính cùng bổ sung tương hỗ, vì thế em đoán ra nguồn cơn của tội ác của họ là những bi kịch phải nếm trải khi còn thơ ấu.”

Ba Du Sinh bước lại, tay anh vẫn cầm tập biên bản do các cảnh sát ghi chép. Anh hỏi Đổng Bội Luân, “Nghe nói, khi Mễ Trị Văn nghe bản ghi âm điện thoại ấy, lão đã phát điên, cô thừa cơ nhặt con dao lên?” Anh ngừng lại nhìn Đổng Bội Luân.”… nhưng cô không tấn công lão?”

Đổng Bội Luân gượng cười, “Tôi cầm dao để tự vệ. Tôi đâu có võ công như Lệnh Hồ Xung, ngồi một chỗ vẫn có thể đánh đông dẹp bắc?”

Cho nên Đổng Bội Luân đành ngồi mà nhìn Mễ Trị Văn chạy sang phòng tập, nhảy qua cửa sổ trốn thoát. Từ đầu đến cuối, lão vẫn ôm chiếc điện thoại để bàn có băng ghi âm tin nhắn kìa.

Ba Du Sinh nói, “Trước khi đến đây, chắc lão đã khảo sát rất kỹ đường đi lối lại ở trung tâm này. Có thể là hắn nhờ Chu Trường Lộ hoặc Sở Hoài Sơn cung cấp tư liệu. Có người nhìn thấy lão đi vào một nhà phụ ba tầng trong khu điều dưỡng cao cấp ở đây, cởi bộ cảnh phục vứt trong toa lét. Đoán chừng lão chạy ra vườn hoa phía sau khu điều dưỡng cao cấp rồi lủi mất. Ở đó có một cái hồ nhân tạo, chắc lão đã đi qua hồ nước.”

Na Lan lập tức nhớ ra, “Hồ nhân tạo ấy cũng tiếp giáp công viên Kim Sơn!” Cô nhớ hồi sinh viên năm thứ nhất thứ hai, cô thường cùng các bạn bơi thuyền trên hồ đó. Nếu đã bố trí sân thuyền nhỏ tiếp ứng thì Mễ Trị Văn có thể nhanh chóng bơi qua hồ, chạy vào công viên trà trộn trong đám đông người già đang tập thể dục buổi sáng.

Ba Du Sinh nói cảnh sát đã phong tỏa công viên Kim Sơn. Giọng anh có nét băn khoăn, vì hồ nước tiếp giáp với công viên Kim Sơn và vài khu biệt thự cao cấp xung quanh. Mễ Trị Văn có thể trốn vào một nhà nào đó, nếu Chu Trường Lộ đã thuê sẵn cho lão một căn hộ, thì việc truy tìm lão chẳng khác nào mò kim đáy biển.

Lúc này, lái xe của Đổng Bội Luân cùng vài lãnh đạo công ty chạy vào thăm hỏi. Sau khi được biết cảnh sát tạm thời chưa cần trao đổi gì thêm với Đổng Bội Luân, lái xe bèn đẩy xe lăn của nữ chủ nhân ra ngoài. Đổng Bội Luân bình thản nói, “Anh định đẩy tôi đi đâu? Bác sĩ Bạch đã ra rồi mà? Chúng tôi sẽ bắt đầu tập luyện.”

Na Lan nhìn anh lái xe đang ngạc nhiên, cô thầm nghĩ, anh chưa hiểu hết về sếp của mình. Cô chào tạm biệt Đổng Bội Luân. Đổng Bội Luân bỗng nắm chặt cánh tay Na Lan kéo cô lại gần, nói thầm, “Trước lúc bỏ trốn, lão nói với tôi rằng từ nay lão sẽ có hai người để ngày đêm nhớ nhung.”

Cơn giá lạnh mùa xuân chết tiệt này bao giờ mới kết thúc đây?

Mục Lục

Nhãn: , , , , ,

Hồ Sơ Tội Ác 3 - Tơ Đồng Rỏ Máu - Quỷ Cổ Nữ Chương 40 (END)

Tên Sách: Tơ Đồng Rỏ Máu

Tác Giả: Quỷ Cổ Nữ
Bộ Sách: Hồ Sơ Tội Ác (tập 3)
Thể Loại: Kinh Dị, Ma QuáiTrinh Thám
Dịch giả: Trần Hữu Nùng
Khổ: 15 x 24
Số trang: 394
Giá bán: 105.000 đồng
Thời gian phát hành: 
Tại Hà Nội ngày 28/1/2014 
Tại Sài Gòn 10/2/2014.
Nguồn: luv-ebook.com
Đọc Online tại: e-thuvienonline.blogspot.com
Hồ Sơ Tội Ác 3 - Tơ Đồng Rỏ Máu - Quỷ Cổ Nữ

Hồ Sơ Tội Ác 3 - Tơ Đồng Rỏ Máu - Quỷ Cổ Nữ

Chương 40: Hoa nhuộm màu máu

Có một người vừa xuống máy bay, lên ngay ô tô đi về hướng Khu Công nghệ cao Thanh Giang. Trên đường, người ấy gọi hai cuộc điện thoại. Sau khi đi qua cầu sông Tân Giang một quãng, thì thấy mấy ngả đường đều đang bị phong tỏa, chăng những sợi dây đai màu vàng của công an.

Rồi nhìn thấy Na Lan.

Vẻ mệt mỏi, áo quần nhàu nhĩ nhưng vẫn rất xinh tươi thậm chí càng mơn mởn sức xuân. Một nữ cảnh sát đưa Na Lan lên chiếc SUV của công an Giang Kinh.

Lại có chuyện gì thế?

Sau đó vài hôm, người ấy đương nhiên sẽ nghe tin vụ “ngón tay khăn máu” đã bị triệt phá.

Người ấy bảo lái xe đi vòng đường khác.

Rồi chạy đến tầng hầm để xe của tòa nhà cao ốc Hâm Khoa. Anh lái xe giảm tốc độ xuống dưới 10km/h, cho đến lúc nhìn thấy chiếc xe BMW X6 đang đỗ ở vị trí chuyên dành cho nó thì dừng xe lại. Người ấy xuống xe, rồi mở cánh cửa hàng ghế thứ hai bên phải chiếc xe X6, ngồi vào.

Trên xe X6 đã có một người đang ngồi, tuổi ngoài ba mươi nhưng mái tóc đã hơi thưa. Khách vừa vào xe nói, “Sếp Lý nên biết, tôi rất muốn sếp sang xe tôi để nói chuyện.”

Chỗ đỉnh đầu không tóc của sếp Lý lấm tấm mồ hôi, sếp Lý nói, “Lần sau… nhất định sẽ…”

“Đừng lo lắng.” Khách thân mật vỗ vai sếp Lý. “Cách đây nửa giờ tôi đã cho người quét xe của anh rồi, rất sạch sẽ, anh chăm sóc xe mình tốt lắm.” Nói vậy tức là trong xe này không có hung khí, không gắn máy ghi âm, hôm nay họ nói chuyện với nhau là an toàn.

Sếp Lý cười ngượng nghịu, “Đương nhiên là phải sạch sẽ chứ! Thứ mà ông cần, tôi đã cầm đến đây.” Anh ta đưa cho khách một tập giấy. “Đây là toàn bộ danh mục các cuộc điện thoại của Na Lan trong ba tháng qua.”

“Xem ra, vẫn không thể bố trí nghe trộm?”

Sếp Lý nói, “Cách đây hơn một năm, sau chuyến nghỉ dưỡng ở núi Trường Bạch trở về, cô ấy trở nên thận trọng, cứ cách vài ba hôm lại nhờ cảnh sát ở Sở Công an đến phòng ký túc xá rà soát xem có bị gắn máy nghe trộm hoặc camera không, cho đến giờ vẫn thế, cho nên khả năng này không lớn. Tôi ngờ rằng đúng là Giản Tự Viễn trước khi chết đã nói gì đó với cô ta.”

Ông khách có vẻ băn khoăn, vấn đề này đã bàn rất nhiều lần rồi không còn gì để bàn thêm nữa. Dù Giản Tự Viễn trước khi chết không nói gì, thì kể từ sau trận bão tuyết ấy Na Lan cũng không tin rằng xung quanh mình luôn luôn an toàn nữa.

Gã Giản Tự Viễn gần như là một thám tử tư, chỉ hiềm hắn hay can dự vào những chuyện mờ ám. Cách đây hơn một năm, có người nhờ hắn thâm nhập vào một tốp người gồm người nhà cộng với bạn bè, rủ nhau đi nghỉ dưỡng và trượt tuyết ở núi Trường Bạch, mục đích là tiếp cận Na Lan để nghe ngóng về tung tích của một kho báu. Tương truyền kho báu ấy là của một tể tướng thời Nguyên tên là Bá Nhan đã vơ vét, tham ô mà gom được. Na Lan cùng một nhóm thanh niên say mê bơi lặn đã vô tình phát hiện ra kho báu ấy ở hang động dưới đáy hồ Chiêu Dương, khi đi thông báo cho cảnh sát thì lại có “chim sẻ” lén rình phía sau cướp mất đám báu vật ấy[1].

[1] Xem tiểu thuyết Hồ tuyệt mệnh và Tuyết đoạt hồn, cùng một tác giả.

Đương nhiên đó chỉ là Na Lan tự nói thế.

Rất có thể chính Na Lan đã bày mưu từ trước, khi cô ta đi thông báo với cảnh sát thì “bạn hợp tác” thực sự của cô ta lên đến nẫng luôn tất cả đem đi.

Lẽ ra nó phải thuộc về ta đây mới đúng!

Con người ta sống trên đời này chỉ vì ba chữ Danh, Lợi, Tình. Ta tự cảm thấy mình không hề tham lam, danh vọng chỉ là phù vân; còn về tình, thời nay Tình đã bị trộn lẫn với Sắc rồi, đương nhiên cũng không thể coi trọng nữa. Ta luôn hết lòng quan tâm đến từng bước đi của Lan muội, nếu nói ta vô cùng tận tình thì cũng không có gì là quá lời.

Lợi. Lợi mới là thực tế nhất.

Người khách mở cách ghi chép điện thoại của Na Lan mà sếp Lý vừa đưa, vẻ ngán ngẩm, “Anh quá trịnh trọng hẹn tôi đến gặp… vừa xuống máy bay tôi đã phải đến đây luôn, chắc không chỉ vì đưa tôi mấy tờ giấy này?”

Sếp Lý nói rất đắc ý, “Đương nhiên không thể để ông đến vô ích. Tất nhiên là có phát hiện mới rất quan trọng.”

“Nói cụ thể đi?” Ông khách biết có thể có tin bom tấn nhưng vẫn tỏ ra điềm tĩnh. Những người như sếp Lý kính nể bái phục ông ta cũng vì điểm này.

“Chúng tôi có một đoạn video, khi rỗi ông có thể xem.” Sếp Lý đưa cho khách một ổ USB. “Trong này có tin tức về người cha của Na Lan.”

Trong phòng nghiên cứu, Na Lan đã viết xong báo cáo nhưng vẫn chưa biết nên định danh vấn đề tâm lý của Sở Hoài Sơn thuộc loại nào. Cô đã hỏi chuyên gia thần kinh học của Đại học Giang Kinh là Du Thư Lượng về tình hình chẩn đoán bệnh cho Sở Hoài Sơn, hiện giờ cũng chưa có kết luận cuối cùng. Mấy ngày nay Ba Du Sinh và đồng nghiệp vẫn thay nhau thẩm vấn, nói chuyện với Sở Hoài Sơn, chắc phải sau nhiều ngày nữa mới xong, liệu Ba Du Sinh sẽ nói gì?

Nếu Chu Trường Lộ còn sống, lão sẽ nói gì?

Chu Trường Lộ sẽ nói, tại sao không ai nhắc đến rất nhiều sự kiện xấu xa xảy ra trong gia đình? Tại sao các nạn nhân của bạo lực đều giữ im lặng chấp nhận bị hành hạ lâu dài… cho đến khi tôi phải dùng phương thức rất cực đoan để chỉ ra họ là nạn nhân? Có phải chỉ còn cách chôn sống họ để họ thoát khỏi đau khổ ở nhân gian, thoát khỏi những tổn thương mà người thân gây ra cho họ?

Đằng sau động cơ phạm tội là quá trình phạm tội, đó là hai bộ phận mà tâm lý học tội phạm không thể tách rời.

Một kẻ phạm tội vài ba lần mà không bị sa lưới, thì sẽ thế nào? Sẽ trở thành kẻ giết người hàng loạt như một thói quen; phạm tội sẽ trở thành sự thèm khát, trở thành sở thích suốt đời.

Còn Mễ Trị Văn? Trước đây kết luận lão đang rất nguy kịch, là quá sớm. Tuy mang đủ thứ bệnh trong người thật nhưng khả năng hành động của lão vẫn cao hơn hẳn chúng ta nghĩ. Đúng là lão có vấn đề về thần kinh, có tâm lý đen tối biến dạng đến cùng cực nhưng lão lại là bệnh nhân tâm thần phân liệt, sẵn có kiến thức sâu rộng, và là một diễn viên thiên tài không khó để với tới giải Oscar!

Na Lan gấp các tư liệu “Hồ sơ tội ác” lại, nhấp màn hình máy di động, mở weibo của mình ra viết vào một câu, “Đã viết xong báo cáo, mệt quá. Buổi tối xem đĩa DVD.”

Cô pha xong một cốc trà sữa rồi quay trở lại nhìn, đã thấy có ba bình luận, một là của cô bạn chí thân cùng phòng là Đào Tử lúc này đang ngồi ở phòng làm việc bên cạnh. Đào Tử viết, “Mình cũng mệt, và cũng đang xem.”

Hai là của Cung Tấn. Chẳng rõ có phải do đại sư Thương Hiệt “gợi mở” không, anh ta lấy bút danh có vẻ sâu sắc ra trò, “Nhảy múa cùng Rồng”, tức là tách chữ (họ) Cung ra được hai chữ Rồng (long) và chữ Cùng (cộng), bút danh này hơi ngông nghênh. Cung Tấn bình luận rằng, “Chiến tranh lạnh đã kết thúc, các vị cứ làm việc của mình, chúng tôi làm việc của chúng tôi.” Ngụ ý rằng anh đã giảng hòa với người đẹp khảo cổ học Dương Phán Phán ổn rồi.

Thứ ba là… tay Na Lan bỗng run lên, cốc trà sữa đổ xuống bàn.

Bút danh “Thương Hiệt”. Không viết một chữ nào. Chỉ đưa ra một bông hoa hồng.

Đỏ thắm như máu.


Nhãn: , , , , ,

Hồ Sơ Tội Ác 3 - Tơ Đồng Rỏ Máu - Quỷ Cổ Nữ Chương 38

Tên Sách: Tơ Đồng Rỏ Máu

Tác Giả: Quỷ Cổ Nữ
Bộ Sách: Hồ Sơ Tội Ác (tập 3)
Thể Loại: Kinh Dị, Ma QuáiTrinh Thám
Dịch giả: Trần Hữu Nùng
Khổ: 15 x 24
Số trang: 394
Giá bán: 105.000 đồng
Thời gian phát hành: 
Tại Hà Nội ngày 28/1/2014 
Tại Sài Gòn 10/2/2014.
Nguồn: luv-ebook.com
Đọc Online tại: e-thuvienonline.blogspot.com
Hồ Sơ Tội Ác 3 - Tơ Đồng Rỏ Máu - Quỷ Cổ Nữ

Hồ Sơ Tội Ác 3 - Tơ Đồng Rỏ Máu - Quỷ Cổ Nữ

Chương 38: Điên rồi

Tuy đã quen bị lệ thuộc vào xe lăn nhưng Đổng Bội Luân vẫn chưa bao giờ từ bỏ hy vọng đứng lên đi lại như xưa. Cô biết mình còn trẻ, tế bào và các cơ quan chức năng vẫn có thể phát triển tái tạo. Cho nên ngày nào cô cũng diều trị phục hồi thể lực, trong mọi thời tiết.

Cuộc nói chuyện với Ba Du Sinh cách đây mấy giờ vẫn ám ảnh cô. Chu Trường Lộ có vấn đề thật ư? Là vấn đề gì? Là hung thủ thực sự của vụ án “ngón tay khăn máu”? Ý nghĩ nực cười, hoang tưởng! Năm xưa cô bị Mễ Trị Văn làm hại, Chu Trường Lộ ở bệnh viện Phổ Nhân phụ trách điều trị cho cô, nói rằng ông ta chữa trị cho cô rất mực tận tình chu đáo thì vẫn chưa diễn tả hết. Ông ta còn cống hiến rất nhiều cho đoàn thể Tiếng Lòng, vô cùng nhiệt tình, không hề giả tạo. Nếu nói ông ta là tên ác ma sát nhân suốt ba mươi năm qua thì chắc chắn sẽ là…

Tuyệt đối không thể!

Tuy nhiên cô vẫn chân thành cảm kích sự quan tâm của Ba Du Sinh. Cô quen biết Chu Trường Lộ đã lâu, không tin ông ta có thể làm hại cô, nếu nuôi dã tâm độc ác thì bao nhiêu năm qua chẳng thiếu cơ hội để xuống tay. Cô cũng không lo về Mễ Trị Văn, người đang oặt ẹo như thế, có trốn thoát cũng đi được bao lâu? Đêm hôm kia lão giở ngón khôn vặt chuồn ra khỏi buồng bệnh, rồi sao nữa? Vẫn chỉ là nhìn “tự do” mà thở dài!

Xe dừng lại, cô bảo anh lái xe cứ trở về công ty vì cô phải vào tập luyện nửa giờ. Cô điều khiển xe lăn vào phòng tập.

Trung tâm Phục hồi Chức năng Tiểu Bạch gồm một dãy phòng làm việc do chuyên gia chăm sóc sức khỏe danh tiếng Bạch Manh thuê của Viện Điều dưỡng Vĩnh Khang, hai bên sử dụng chung một hệ thống thiết bị tập vận động, kể cả bể bơi và sân gôn mini. Đổng Bội Luân là khách thường xuyên, cứ việc ra vào tự nhiên. Cô bố trí giờ tập vào sáng sớm để khỏi ảnh hưởng thời gian làm việc trong ngày và cũng vì cô thích sự yên tĩnh của buổi sớm mai.

Không thấy Bạch Manh trong phòng làm việc, chắc là đang ở gian điều trị phía sau.

Cánh cửa sau lưng bỗng sập lại, khóa trái. Tim Đổng Bội Luân bỗng thắt lại.

Một con dao dài nhằm vào mặt cô. “Hãy ngoan ngoãn, chớ kêu chớ động đậy, nếu không sẽ bất lợi cho cả cô lẫn tôi!” Con dao, lời nói, đều hệt như cách đây ba năm.

Đổng Bội Luân không kêu lên, cô chỉ khẽ nói, “Ba năm trước ông không ăn nhằm gì, ba năm sau ông đã gần hơn với nấm mồ, không rõ niềm tin của ông ở đâu ra?”

“Cô đã cho tôi niềm tin.” Mễ Trị Văn mỉm cười. “Vì cô không muốn tôi chết, cô muốn bệnh tật hành hạ tôi lâu hơn nữa, nên cô bảo lãnh cho tôi ra ngoài điều trị. Nhưng cô nghĩ rằng tôi sẽ cảm tạ ân đức của cô thật sao?”

Di động của Đổng Bội Luân rung lên trong túi xách treo bên xe lăn. Mễ Trị Văn nói, “Giờ tập luyện, dù ai gọi đến cũng phải để cho họ chờ.”

“Lý do tôi bảo lãnh cho ông ra ngoài điều trị, ông đoán sao được? Đầu óc ông quá nông cạn, xem ra ông không hiểu gì về tôi. Sao ông lại trốn ra được?” Nhìn lão mặc bộ trang phục công an, Đổng Bội Luân đã có thể đoán ra phần nào. Cổ tay lão bé tẹo khẳng khiu thò ra ngoài ống tay áo, nhưng Đổng Bội Luân đã từng biết công lực của cánh tay lão rồi.

“Cô nên hỏi tôi đã trốn ra lần thứ hai như thế nào mới đúng.” Lão không trả lời thẳng, lão không cần kể tỉ mỉ công trạng của Chu Trường Lộ làm gì, trong đó có ba ống thuốc tiêm gây mê nhét dưới đệm của lão.

Cho đến giờ lão mới dùng hai ống. Tay cớm giám thị cứ 20 phút lại vào giường nhìn xem lão còn sống hay đã chết, xem lão có còn là Mễ Trị Văn không. Bọn cớm bị hớ lần trước đã khôn hơn, hiểu rằng hiện tượng bề ngoài có thể ẩn chứa cú lừa ngoạn mục. Cho nên khi tay cớm bước đến sát giường thì lão bất ngờ vùng dậy tiêm ngay ống thuốc mê vào gáy hắn. Lão không thể không đắc ý vì hành động chính xác, thật bõ công khổ luyện trong tù.

Lựa chọn lúc bình minh để hành động, không phải ngẫu nhiên hay tùy hứng. Từ hồi còn bé lão đã biết, bất cứ việc gì muốn làm thành công thì không thể tùy hứng mà phải có kế hoạch tỉ mỉ. Bỏ trốn lúc bình minh, có thể kịp đến chỗ Đổng Bội Luân tập phục hồi chức năng, mặc khác, lúc đó gã cớm trực đêm đã mệt mỏi, sẽ rất sơ ý, phản ứng chậm chạp. Cả mấy đứa y tá trực ban cũng vất vả chống đỡ cơn buồn ngủ, chúng sẽ không vào buồng bệnh làm phiền, và con bé y tá kia lớ ngớ bước vào bị gí luôn một mũi thuốc mê ngất xỉu, thì mấy đứa còn lại cũng không chú ý đến.

Cho nên lão có đủ thời gian để mặc bộ cảnh phục rồi ung dung đi qua phòng y tá, rời khỏi buồng bệnh, ra khỏi bệnh viện, thoát li cuộc sống bị giam cầm, sau đó mò đến viện điều dưỡng, bước vào phòng phục hồi chức năng, một lần nữa xâm nhập cuộc sống của Đổng Bội Luân. Tất nhiên, bộ cảnh phục cũng đã giúp lão đánh bác sĩ Bạch Manh chết mất.

Lúc này lão bỗng nghĩ xem có nên chọc mũi thuốc mê cho cô gái mà lão hằng nhớ nhung đang ngồi ngay trước mặt không. Nếu làm thế thì sẽ xóa bỏ cái giai thoại xâm hại bất thành một cách rất tự nhiên và đơn giản, lão sẽ thỏa nguyện, còn cô gái này vẫn sống nhưng còn khổ hơn chết.

Nhưng làm thế thì quá nhạt nhẽo buồn tẻ, phí hoài cả ba năm chờ đợi. Lão đã bao lần hồi tưởng và ngóng chờ Đổng Bội Luân giãy giụa, chửi mắng lão, giống những con mèo con chuột chống cự lão trong cái hố sâu ngày xưa. Trò chơi này thú vị ở chỗ cần có cả quá trình, nếu không, thực tế thời nay chỉ cần bỏ ra một tệp tiền thì sẽ có ngay một đêm hưởng lạc thỏa thuê, nhưng đó là thứ khoái cảm thấp kém.

Lão đưa tay nâng cằm Đổng Bội Luân lên. Vẫn là khuôn mặt sáng trong hoàn mỹ, chỉ hơi xanh xao khiến lão thấy xót thương.

Không hiểu sao lão bỗng nhớ đến Na Lan, con bé ấy rất giống một bản sao của Đổng Bội Luân, con bé khiến lão rung động. Tiếc thay lúc này nó đã ở dưới hố thậm chí đất đã ngập đến cổ rồi. Thôi đành, Na Lan là trò chơi của Chu Trường Lộ, là con mồi của hắn. Có phân công rõ ràng, là dấu hiệu của xã hội tiến bộ. Nghĩ mà xem, trong ba mươi năm thành công của vụ “ngón tay khăn máu”, lão chỉ trực tiếp tham gia sáu vụ.

Mễ Trị Văn nói, “Chúng ta bắt đầu đi! Tin rằng không có ai làm phiền chúng ta.” Mũi dao khẽ gạt, cổ áo sơ mi cô tông màu tím của Đổng Bội Luân trễ sang bên vai, để lộ làn da nõn nà. Mễ Trị Văn sáp lại, thở dài. “Ba năm rồi, chắc cô khát khao tôi nhiều lắm? Không được tình yêu chăm chút, nên làn da mịn màng ngày nào đã có phần héo khô. Đừng lo, hôm nay tôi sẽ bù đắp cho.”

Đổng Bội Luân lắc đầu, nói, “Thật ra ông không cần phải thế này, ông đã thuyết phục được tôi rồi, tôi đã nhìn nhầm người. Nếu lúc trước tôi trót bất cẩn gửi gắm trái tim tôi cho ông, thì sau ba năm trời, đã có đủ thời gian để tôi thu lại rồi.”

Mễ Trị Văn cười, “Đoán xem Na Lan gọi tôi là gì? Anh già văn nghệ. Cô là nữ thanh niên văn nghệ, số phận đã ấn định chúng ta ở bên nhau.”

“Nhưng tại sao ông cứ muốn chứng minh mình là một ác ma tái thế? Ông đã thành công hàng loạt vụ án 'ngón tay khăn máu' thì còn gì mà ông không làm nổi?!”

“Vấn đề chính là ở chỗ này!” Mễ Trị Văn bỗng nói như rắn thè lưỡi định phun nọc độc, “Vụ án 'ngón tay khăn máu' không phải mình tôi thực hiện, nhưng tôi thừa sức để làm một mình!”

Đổng Bội Luân cười nhạt, “Thì ra giữa ác ma với nhau cũng có cạnh tranh, cũng muốn lên ngôi đầu bảng!”

Mễ Trị Văn sờ túi lấy ra một sợi dây đàn. “Thử chìa ngón tay ra!”

Đổng Bội Luân hiểu ngay, thì ra ngón tay đứt là kiệt tác của một sợi dây đàn? Cô bỗng thấy ruột gan nhộn nhạo, chỉ chực nôn ọe.

“Khi xưa cô gần tôi quá, ấy là tự cô nên tôi phải chiều ý cô. Nhưng lần trước không hiểu tại sao bộ mặt đen tối của tôi lại trỗi dậy, thế là hỏng việc. Hôm nay sẽ không lặp lại sai lầm ấy.”

“Tôi nghĩ ông nên nhanh chóng đi khỏi đây, công an đã biết ông trốn khỏi bệnh viện thì họ sẽ tìm đến đây bất cứ lúc nào…”

Mễ Trị Văn cười ha hả rất ngông nghênh. “Lại thương anh rồi, phải không? Thực chất, anh trốn ra ngoài không vì điều gì khác, mà chỉ nhằm được gặp lại em. Công an đến, anh sợ gì nhỉ? Trên đời này anh còn mấy ngả đường để đi nữa? Được, tạm gác chuyện ngón tay lại. Ta nên vui vẻ thì hơn.” Nói rồi lão lại đưa mũi dao xuống dưới vài phân, cắt đứt dải treo áo lót của Đổng Bội Luân.

Lúc này trong phòng chợt vang lên tiếng chuông điện thoại.

Đó là chiếc điện thoại đầu rời kiểu mới, bệ máy và đầu cầm tay màu trắng, cài đặt tiếng chuông kêu theo kiểu cũ “tinh… tang tang…” như rót vào tai người ta lúc sớm mai.

“Vẫn cứ có kẻ làm mất hứng.” Mễ Trị Văn hầm hầm nhìn máy điện thoại, ánh mắt như muốn chặn đứng tiếng chuông.

Chuông lại reo một chập nữa, sau đó máy tự chuyển sang chế độ lưu tin nhắn.

Một giọng nữ nói, “Văn ơi…” Giọng có ý do dự, bùi ngùi.

Con dao trong tay Mễ Trị Văn dừng lại, lão nhìn máy điện thoại. Một đốm đèn đỏ nhấp nháy, tức là vẫn đang ghi âm.

Một chuỗi tạp âm xè xè vang lên, hình như là một cái máy chạy băng cổ lỗ sĩ đang chỉnh kênh.

Giọng nữ lại nói, “Cậu Ba! Liệu sau này cậu còn nhớ em nữa không?”

Thân xác khô gầy của Mễ Trị Văn run rẩy.

Vẫn đang ghi tin nhắn.

Sau giọng nữ là một giọng nam hơi khàn, “Sao lại không nhớ? Sao em lại hỏi anh như thế?” Thì ra đây là cậu Ba, người được Minh Phượng yêu, chàng cũng có tình cảm với Minh Phượng.

Mễ Trị Văn có thể đọc thuộc lòng mọi lời thoại của Minh Phượng.

Minh Phượng nói, “Em rất sợ cậu sẽ quên em.”

Cậu Ba, “Anh không bao giờ quên em, mãi mãi không quên! Em tin chứ?”

Minh Phượng, “Em tin.” Giọng mơ màng.

Cậu Ba, “Còn em thì sao?”

Minh Phượng, “Em sẽ nhớ cậu, sẽ nhớ… nhớ đến khi em chết. Chết rồi em vẫn nhớ cậu.”

Mễ Trị Văn bỗng kêu lên, “Mẹ! Mẹ ơi!” Con dao trong tay lão rơi xuống đất. Lão nhào đến chiếc điện thoại, sững sờ, ôm chặt nó vào lòng, dây điện thoại và dây cắm điện nguồn thõng xuống đất.

Trong điện thoại vẫn là giọng cậu Ba, “Không! Anh muốn em sống luôn nhớ đến anh, chứ chết rồi thì đừng nhớ.”

Mễ Trị Văn thầm nghĩ, đến lượt mẹ ta nói.

Minh Phượng, “Đã yêu ai đó thì mình phải rải lối đi bằng phẳng cho người ấy chứ đừng biến thành một gánh nặng cho người ấy.”

Một giọng nữ lạ, “Cô nói thế à?”[1]

[1] “Lời thoại của vợ cậu Ba.”

“Không! Mợ ơi! Cậu Ba muốn có một người con gái chân thành yêu cậu, người ấy không muốn cậu bị rắc rối hay buồn phiền một phút nào. Người ấy thực lòng mong cậu sẽ sống cuộc đời thật vui, sống như cậu vẫn nói là, can đảm, vươn lên và thành công!”[2]

[2] “Lời thoại của Minh Phượng.”

Cậu Ba, “Hôm nay em lắm lời quá!”

Mễ Trị Văn thầm nghĩ, cậu Ba khốn kiếp, dám chê mẹ ta lắm lời?

“Cậu từng nói là có một loài chim hễ cất tiếng hót thì sẽ hót suốt đêm, hót bật cả máu ở miệng ra.”

“Đúng! Loài chim đó đem lại niềm vui cho con người.”

Rồi đến những tiếng ồn, hình như có cả tiếng sấm vọng đến từ xa.

Minh Phượng, “Cậu Ba ơi, em cứ muốn nói thế này suốt đêm cho cậu nghe!

Tiếp đó là tiếng Hoàng Tuệ Trân tấm tức khóc. “Mẹ thực sự… cảm thấy mình sống vẫn chưa đủ… Văn ơi!”

Mễ Trị Văn ôm cái máy điện thoại, hai tay run bắn, cái máy sắp rơi tuột xuống đất. Nhưng không, lão không để nó bị rơi. Đây là báu vật, là sinh mệnh của lão. Bốn mươi năm trước, cái máy ghi âm của mình đã bị mấy tay công nhân cướp mất rồi đập nát nhân cơn hăng say vì đấu tố, đây là lần đầu tiên lão lại được ôm ấp những hồi ức và hoài nhớ của thời thơ ấu, được nâng niu giọng nói của mẹ.

Đó là giọng của mẹ trong vở kịch nói Nhà của Tào Ngu, bà sắm vai một a hoàn, vai bi kịch. A hoàn đã yêu cậu Ba lẽ ra không nên yêu, kết cục chỉ có thể là cái chết.

Mẹ cậu bé Mễ Trị Văn là một diễn viên, đã yêu một người không nên yêu là Mễ Dũng Hằng, rồi lại nổi tiếng mà lẽ ra không nên nổi, khiến cho Mễ Dũng Hằng thô kệch tầm thường ghen lồng ghen lộn, kết cục cũng là cái chết.

Vừa rồi bà nói gì nhỉ? Nói là sống vẫn chưa đủ!

Lão bỗng điên cuồng ấn nút trên máy điện thoại, rồi cũng bật được loa ngoài của máy cái.

“Mẹ ơi!”

“Văn ơi, mẹ rét quá, đau quá! Con đưa mẹ đi viện!” Bà mẹ nài nỉ.

Toàn thân Mễ Trị Văn run bần bật, hình như chính lão đang bị rét bị đau.

“Nhưng, bố… không cho… nếu ông ấy biết… ông ấy sẽ đánh chết con.”

Lão cũng bắt đầu khóc nấc lên.

“Thế thì… con đừng lo cho mẹ nữa… con đi ngay đi, đi khỏi nhà… kẻo sẽ có ngày ông ấy đánh con chết mất.”

“Mẹ ơi…” Mễ Trị Văn thốt lên trong tiếng nức nở, chẳng khác gì tiếng kêu của một con thú bị thương. Tay lão vẫn rất run.

“Văn à, con đang làm gì thế?” Giọng Hoàng Tuệ Trân trong máy điện thoại, yếu ớt bất lực.

“Mẹ… đừng trách con!” Mễ Trị Văn đặt máy điện thoại xuống, hai tay lão khua trên khoảng không.

Giọng Hoàng Tuệ Trân hơi nghèn nghẹn hình như rất khó phát âm, sau khi nói mấy câu nghe không rõ thì bắt đầu ho dữ dội. “Văn à, con đừng… con định chôn mẹ hay sao?”

“Mẹ đừng trách con, chôn sắp xong, sắp xong ngay thôi, rồi mẹ sẽ được giải thoát khỏi bể khổ.” Hai tay Mễ Trị Văn khua lên như điên.

“Con… nếu con gặp lại… con sẽ… giết ông ta ư?” Giọng Hoàng Tuệ Trân thấp dần.

“Tất nhiên con sẽ làm, con sẽ làm thế! Xin mẹ… đừng trách con.” Lúc này Mễ Trị Văn vô cùng đau buồn và cuồng nộ, lão đập tay xuống bàn rầm rầm.

Phía sau lão, Đổng Bội Luân lặng lẽ nhặt con dao lên.


Nhãn: , , , , ,